Saturday, April 20, 2024

Làm thế nào để khơi thông dòng vốn tín dụng?

VTV.vn- Còn nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội chưa thống nhất xung quanh vấn đề giảm giới hạn cấp tín dụng và sự cấp thiết của việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42.

Sau khi Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), vào chiều 5/6, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành họp tại tổ để đóng góp ý kiến cho dự án.

Dự thảo Luật điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Có ý kiến đại biểu cho rằng, việc này sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Ông Hoàng Thanh Tùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nói: “Quy định này có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước”.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng từ năm 2010 đến nay, vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã tăng đáng kể. Khối Tổ chức tín dụng Nhà nước tăng từ 6 đến 10 lần và khối Ngân hàng thương mại cổ phần tăng từ 3-10 lần. Do đó, vốn tín dụng cấp cho 1 khách hàng tính theo dự thảo Luật cao hơn so với so với thời điểm ban hành Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận định: “Việc giảm giới hạn cấp tín dụng vào thời điểm không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại còn giúp cho nhiều khách hàng có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn của ngân hàng. Đối với các trường hợp cần cho vay vượt mức giới hạn, các tổ chức tín dụng có thể lựa chọn tăng vốn tự có hoặc cấp tín dụng hợp vốn với tổ chức tín dụng khác hoặc trình Thủ tướng xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn”.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cấp thiết luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đây là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định nên việc luật hóa cần được đánh giá kỹ lưỡng và có chọn lọc theo bối cảnh hiện nay.

Đáng chú ý, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm 1 số quốc gia khác để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời, dự thảo luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố ảnh hưởng đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng rút tiền hàng loạt. Các đại biểu đề nghị làm rõ tổ chức tín dụng bị tác động ở mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của NHNN để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img