Tiếp tục gia hạn hợp đồng

Đáng nói, theo kế hoạch ban đầu, mốc thời gian hoàn thành gói thầu xây lắp Dự án Hương lộ 2 nối dài (đoạn 1- giai đoạn 1) kết nối cao tốc TP.HCM-  Long Thành – Dầu Giây, dự kiến đến giữa năm 2022 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do tiến độ thi công chậm nên đã được gia hạn đến ngày 30/4/2023. Thế nhưng, dự án này lại phải một lần nữa gia hạn, và đâu là lý do khiến tiến độ tuyến giao thông trọng điểm của Đồng Nai chưa “chạy” đúng lộ trình đã định, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Vì sao gói thầu kết nối cao tốc TP.HCM-  Long Thành - Dầu Giây liên tiếp “trễ hẹn”?

Gói thầu xây lắp Hương lộ 2 nối dài (đoạn 1- giai đoạn 1) kết nối cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây, liên tiếp ra hạn nhưng vẫn không thể hoàn thành vì thiếu mặt bằng.

Theo thông tin, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hương Lộ 2 nối dài (đoạn 1 – giai đoạn 1) tại TP.Biên Hoà được Đồng Nai quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 7/2019. Mục tiêu nhằm tạo điều kiện lưu thông thuận tiện trong khu vực và kết nối với khu kinh tế Long Hưng. Tương lại, Hương lộ 2 sẽ kết nối về hướng huyện Nhơn Trạch và đấu nối vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Là dự án trọng điểm, Hương lộ 2 có chiều dài 1,98km, điểm đầu giao với Quốc lộ 51, điểm cuối giao với trục chính Khu đô thị Long Hưng. Tổng mức đầu tư hơn 782,927 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 180,923 tỷ đồng. Đảm đương thi công Hương lộ 2 là liên danh 2 nhà thầu, gồm: Công ty CP Cường Hùng và Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Dự án được khởi công vào tháng 12/2020, tới nay, lũy kế khối lượng đã thi công mới đạt khoảng 75,732 tỷ đồng, tương đương 43% so với giá trị hợp đồng xây lắp.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban Giao thông) tỉnh Đồng Nai, phần đường đoạn từ Km0+220 đến Km1+200 (do nhà thầu Công ty CP Cường Hùng đảm nhiệm) đã thi công hoàn thành mặt đường bê tông nhựa nóng. Với đoạn Km0+000 đến Km0+086 nhà thầu này đã thi công nền đường đất cấp 3 và đoạn từ Km1+200 đến Km1+400 đã thi công trải vải địa, đắp cát xử lý nền đất yếu. Hiện nay, Công ty Cường Hùng đang thi công đường đầu cầu phía mố M1 cầu An Hòa 2. Đối với phần cầu An Hòa 2 (do nhà thầu Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đảm nhiệm) đã hoàn thành trụ P1, P2. Hiện nhà thầu đang chờ bàn giao mặt bằng để triển khai thi công phần mố cầu và 2 đường đầu cầu. Năm 2023, Dự án được bố trí 57 tỷ đồng vốn, tuy nhiên đến tháng 5/2023 lũy kế giải ngân mới đạt 3,473 tỷ đồng, đạt tỷ lệ vỏn vẹn 6%.

Vì sao gói thầu kết nối cao tốc TP.HCM-  Long Thành - Dầu Giây liên tiếp “trễ hẹn”?

Dự án được khởi công vào tháng 12/2020, tới nay, lũy kế khối lượng đã thi công mới đạt khoảng 75,732 tỷ đồng, tương đương 43% so với giá trị hợp đồng xây lắp. Hiện dự án bị vướng mặt bằng do người dân chưa chịu giao đất.

… vì thiếu mặt bằng

Liên quan tới nguyên nhân vì sao phải gia hạn hợp đồng đối với dự án này, ông Ngô Thế Ân -Giám đốc Ban Giao thông Đồng Nai, giải thích: việc Dự án Hương lộ 2 chậm tiến độ và nhiều lần phải gia hạn hợp đồng xây lắp với các nhà thầu vì lý do thiếu mặt bằng thi công.

“Phần mặt bằng đã được bàn giao dự kiến hoàn thành mặt đường bê tông nhựa nóng trong tháng 5/2023. Khối lượng các hạng mục đối với phạm vi vướng mặt bằng cần thời gian thi công 4 tháng. Hiện chủ đầu tư mới nhận bàn giao mặt bằng được 1.420m trên tổng số 1.925m và hiện còn vướng 380m chiều dài mặt bằng thi công, trong đó có 130m thuộc phường An Hòa và 250m thuộc xã Long Hưng”, ông Ân nói.

Theo tìm hiểu Diễn đàn Doanh nghiệp, tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng Hương lộ 2 do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Biên Hòa thực hiện. Trong đó, những khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là phần mặt bằng 130m do Công ty CP Kim khí Long An quản lý sử dụng. Bởi, theo kế hoạch giao đất, cho thuê đất đối với Hợp tác xã kim khí Long An (tiền thân của Công ty CP Kim khí Long An), đã xuất hiện tình trạng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nên chưa thể thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ để giải phóng phần đất này. Đặc biệt, mặc dù các sở ban ngành của tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc và xử lý các vướng mắc liên quan, tuy nhiên, Công ty CP Kim khí Long An vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường. Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn việc bồi thường thu hồi đất trường hợp này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Vì sao gói thầu kết nối cao tốc TP.HCM-  Long Thành - Dầu Giây liên tiếp “trễ hẹn”?

Ông Ngô Thế Ân -Giám đốc Ban Giao thông Đồng Nai: việc Dự án Hương lộ 2 chậm tiến độ và nhiều lần phải gia hạn hợp đồng xây lắp với các nhà thầu vì lý do thiếu mặt bằng thi công

Đáng nói, ngoài diện tích đất nêu trên, trên địa bàn xã Long Hưng còn vướng mặt bằng của 68 hộ dân, trong đó đã kiểm kê 56 hộ và đang xác nhận nguồn gốc đất, còn lại 12 hộ khác TP.Biên Hòa đang lập thủ tục kiểm kê bắt buộc. Song, sự phức tạp nguồn gốc đất của các hộ này do trước đây UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định giao đất cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Hưng (sau này là DonaCoop). Theo đó, phần đất các hộ dân trên thuộc phần diện tích cải tạo, chỉnh trang cho người dân khu vực này. Tuy nhiên, sau này, phần đất này lại được giao cho Ban quản lý lập Dự án Hương lộ 2 quản lý và khi lập hồ sơ bồi thường nên đã có sự chồng chéo giữa 2 quyết định khiến sự việc càng khó khăn vì liên quan tới pháp lý. Chưa kể, để tháo gỡ vướng mặc này theo đúng pháp luật thì cần phải điều chỉnh quyết định giao đất cho DonaCoop để phù hợp với quy định, đồng nghĩa là phải điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Long Hưng, mà việc điều chỉnh này lại thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, đang là vấn đề rất đáng chú ý.

Liên quan tới những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty CP Cường Hùng (nhà thầu thi công) cho biết, việc gia hạn và kéo dài hợp đồng xây lắp do thiếu mặt bằng, đang gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hùng, khi trúng thầu, Cường Hùng đã tập trung toàn bộ nhân lực, máy móc để thi công theo đúng biểu đồ về tiến độ đã lập trong hồ sơ dự thầu. Song, do khó khăn về mặt bằng thi công này đã khiến cho nhà thầu không chỉ ảnh hưởng tiến độ Dự án, mà còn đặt nhà thầu đứng trước nhiều áp lực, như: rủi ro về chi phí, đội giá thiết bị, nguyên vật liệu… và những vấn đề này đang ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp. Do đó, nếu chủ đầu tư không giao thêm mặt bằng để thi công thì nhà thầu không thể duy trì nhịp độ xây dựng và nguy cơ chậm tiến độ so với mốc thời gian vừa được gia hạn là hoàn toàn có thể xảy ra.