Friday, March 29, 2024

Tranh luận về kiến thức trong đề thi lớp 10 môn toán TP.HCM, Sở GD-ĐT lên tiếng?

Sau khi 96.000 thí sinh tại TP.HCM kết thúc kỳ thi lớp 10, có nhiều ý kiến xung quanh đề thi môn toán, cụ thể là bài số 5, dạng toán thực tế dẫn liệu kiến thức vật lý.

Tranh luận về kiến thức trong đề thi lớp 10 môn toán TP.HCM, Sở GD-ĐT lên tiếng?

Bài toán số 5 trong đề thi lớp 10 đang gây tranh luận

Giáo viên chỉ ra “sạn” của đề thi lớp 10

Thầy Mai Văn Túc, giáo viên chuyên lý Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, đã chỉ ra một số vấn đề về câu 5 trong đề thi lớp 10 môn toán, liên quan đến kiến thức vật lý như sau: 

Đề bài đưa ra một quy luật công suất hao phí trong quá trình đun nước không xảy ra trong thực tế và sai bản chất. Quá trình chuyển hóa năng lượng khi đun nước tính từ khi bật công tắc (lúc t = 0); điện năng chuyển hóa thành nhiệt năng làm sợi dây nung nóng lên (nếu bình đun dùng sợi nung). Sợi dây nung có nhiệt độ cao hơn nước trong bình đun và truyền nhiệt cho nước, nước truyền nhiệt cho ấm và phải có một khoảng thời gian để nhiệt độ của bình đun tăng lên cao hơn nhiệt độ môi trường mới có nhiệt hao phí tỏa ra môi trường. Công suất tỏa nhiệt ra môi trường phụ thuộc chủ yếu vào diện tích tiếp xúc của bình đun với môi trường và độ chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ của bình đun và môi trường (công suất hao phí còn phụ thuộc mức độ lưu thông không khí hay gọi là gió ở nơi đun). Khi công suất tỏa nhiệt ra môi trường của bình đun bằng công suất nhận điện năng của sợi nung thì nhiệt độ của nước không tăng nữa. 

Có thể hiểu như sau: Một sợi nung có công suất 1.000W nếu đun nước trong một ấm cỡ 2 lít thì nước có thể sôi nhưng nếu sợi nung này cấp nhiệt cho bể cá lớn thì có thể nước chỉ nóng từ 100 độ C tới 300 độ C là dừng không tăng nhiệt độ nữa. Vậy đề câu 5 ra công suất hao phí theo quy luật P = at + b tức là t = 0 đã có công suất hao phí bằng 85W và công suất hao phí tăng đều là sai (tôi bỏ qua những lỗi sai khó hiểu). 

Ngoài ra, ở ý b) của câu số 5, đề bài viết: Nếu đun nước với công suất hao phí là 105W thì thời gian đun là bao lâu?

“Theo tôi đề ra như thế là sai. Nếu giả sử tồn tại quy luật phi lý như tác giả cho thì cũng cần phải hỏi: Tính thời gian đun cho tới khi công suất hao phí là 105W chứ viết ‘Nếu đun nước với công suất hao phí là 105W thì thời gian đun là bao lâu?’ thể hiện tác giả không hiểu gì về hiện tượng vật lý và người đọc không hiểu sẽ tính như thế nào?”, giáo viên trên nói.

Bên cạnh việc chỉ ra những “sạn” về kiến thức vật lý đưa vào bài toán thực tế thì giáo viên trên còn đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cần điều chỉnh đáp án câu 5 cho công bằng với các thí sinh. Nhiều thí sinh giỏi vật lý sẽ không làm được câu 5 vì có thí sinh nói rằng kiến thức vật lý “lạ” quá.

Đồng thời, thầy Mai Văn Túc góp ý: “Trước hết, tôi đánh giá cao ý tưởng ứng dụng toán vào cuộc sống của nhóm tác giả đề thi. Tuy nhiên, khi vận dụng toán vào thực tế có liên quan đến kiến thức lĩnh vực khác cần hết sức thận trọng vì theo tôi một bài thi ngoài để tuyển sinh thì đây chính là một buổi tự học rất tập trung của người thi”. 

Vì vậy, dù đỗ hay không đỗ thì đề thi phải có nội dung sao cho sau khi thi người tham gia đều có thêm được kiến thức ít nhiều. Và khi đã sử dụng kiến thức khoa học phải chính xác, khoa học hoàn toàn tồn tại khách quan. Môn học nào cũng cần phải chính xác, không có chuyện toán hiểu kiểu này vật lý kiểu khác, thầy Túc nêu quan điểm.

Tranh luận về kiến thức trong đề thi lớp 10 môn toán TP.HCM, Sở GD-ĐT lên tiếng?

Thí sinh sau khi kết thúc kỳ thi lớp 10

Sở GD-ĐT TP.HCM phản hồi về đề thi lớp 10

Trước ý kiến và góp ý của giáo viên về đề thi lớp 10 môn toán, phóng viên Báo Thanh Niên đã có trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và cơ quan này có phản hồi chính thức.

Về ý kiến cho rằng nội dung bài 5 của đề thi lớp 10 môn toán có sai sót về kiến thức vật lý, Sở GD-ĐT trả lời như sau:

Bài toán có đưa ra nội dung liên quan hiện tượng thực tế là quá trình đun để làm sôi nước trong một ấm điện (một vật dụng quen thuộc trong nhiều gia đình). Quá trình khảo sát này chỉ là một giai đoạn ngắn của quá trình đun sôi nước; thời điểm bắt đầu khảo sát (t = 0) không phải là thời điểm bắt đầu quá trình đun nước. Các dữ kiện được mô tả mặt toán học bằng hình vẽ và một hàm số mà học sinh đã được học trong chương trình. Bằng các kiến thức: hàm số bậc nhất, đồ thị hàm số bậc nhất, điểm thuộc đồ thị, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, tính toán… và năng lực toán học của mình, học sinh có thể giải quyết được các yêu cầu do đề bài đặt ra.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói thêm: “Trong quá trình chấm thi, theo quy định chung, các trường hợp học sinh có lời giải khác với hướng dẫn chấm nhưng hợp lý đều được xem xét và đánh giá. Sở GD-ĐT luôn trân trọng các ý kiến góp ý về các kỳ thi lớp 10 để công tác tổ chức ngày càng tốt hơn”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img