Nhiều giáo viên cho rằng kiểm tra đầu tiết dạy theo cách truyền thống gọi 1 hoặc 2 học sinh lên bảng trả lời câu hỏi bài cũ hiệu quả không cao.
BẮT ĐẦU NGÀY HỌC BẰNG MỘT BÀI HÁT
Thầy Nguyễn Ngọc Hổ, giáo viên (GV) Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM, bước vào lớp, chào học trò và bắt nhịp cho cả lớp hát bài Lớp chúng ta đoàn kết. Không khí lớp học sôi động lên tức thì. Sau đó, thầy và trò mới bắt đầu tiết học đầu tiên. Có những ngày, trước khi bắt đầu vào môn học, thầy cho học trò nghe một bản nhạc vui, kể cho các em nghe một câu chuyện vui, hay một vở hài kịch. Đó là cách thầy Hổ đều đặn thực hiện mười mấy năm qua.
Thầy Hổ không phải kêu bất chợt, gọi bất thình lình để kiểm tra bài cũ mà thay thế bằng nhiều hình thức sinh động khác để các em luôn cảm thấy hứng thú được học hỏi nhiều kiến thức mới, như đố vui, chơi các trò chơi giải ô chữ, ai nhanh hơn, đi tìm kho báu… Người chiến thắng hay chưa đều nhận được những lời khen, món quà và những lời động viên. Nhờ vậy mà học trò ai cũng mong đến ngày hôm sau được đi học tiếp.
Tương tự, tại TP.Đà Nẵng, ở cấp tiểu học đã bỏ việc kiểm tra bài đầu giờ và thay vào đó là những trò chơi nhỏ, tiết mục văn nghệ… để tập thể lớp ôn lại kiến thức đã học. Mục đích của việc bỏ kiểm tra bài đầu giờ là tạo tâm lý hứng thú cho HS, các bài hát hay câu đố sẽ giúp tiết học vui vẻ, hạnh phúc.
Cô Lê Thị Thanh Xuân, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), cho biết đối với bậc tiểu học tại TP.Đà Nẵng, việc kiểm tra bài đầu giờ đã bỏ từ lâu. Không còn cảnh học trò toát mồ hôi hay “tái mặt” vì lo sợ bị gọi lên bảng trả bài.
“Các thầy cô giáo trước khi dạy bài mới sẽ tổ chức cho cả lớp chơi trò chơi mang tính vui vẻ, đoàn kết… Nói là chơi nhưng các em vẫn có thể ôn lại kiến thức cũ. Thời gian cả lớp chơi trò chơi hay tham gia văn nghệ (hát) kéo dài từ 3-5 phút”, cô Xuân thông tin.
“HS tiểu học rất thích thú với giờ sinh hoạt đầu tiết học vì các em được vừa vui chơi vừa học tập. Khi ra về các em còn hát vang kiến thức đã học trong sân trường. Tôi thấy kiến thức đã được học sinh tiếp thu trọn vẹn chứ không kiểu học vẹt hay thầy đọc trò chép rồi hôm sau lên trả bài”, cô Xuân nói.
Đồng quan điểm, cô giáo Ngọc Linh, Trường tiểu học xã Hòa Liên (xã Hòa Liên, H.Hòa Vang), cho biết để HS dễ dàng hiểu kiến thức, bài học mới, cô sẽ tổ chức cho cả lớp cùng chơi trò chơi, ví dụ như: truyền điện, đố bạn, ai nhanh ai đúng, du lịch qua màn ảnh nhỏ, lật mảnh ghép… Các trò chơi này vừa ôn tập kiến thức đã học vừa dẫn dắt, truyền đạt kiến thức mới đến học sinh.
“Điều quan trọng nhất mỗi ngày đến lớp của HS là sự vui vẻ, hào hứng và mong đợi gặp bạn bè, thầy cô. Vì vậy để tạo sự đoàn kết, vui nhộn cho lớp học không thể thiếu phần khởi động cho tiết học mới”, cô giáo Ngọc Linh nói.
THAM GIA DỰ ÁN ĐỂ LẤY ĐIỂM
Từ lâu, nhiều trường, đặc biệt là khối trường tư thục ở Hà Nội, đã áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá mới. Ví dụ, HS khối 10 Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đã có 7 tháng cùng nhau đọc, tìm hiểu tác phẩm, lên kịch bản, tập luyện, tự tin đứng trên sân khấu trình diễn vở kịch Những người khốn khổ của Victor Hugo để lấy điểm cuối kỳ. Đây không phải lần đầu HS tham gia dự án để lấy điểm kiểm tra, bởi cách thức này đã được nhà trường áp dụng từ nhiều năm. Cũng lấy điểm kiểm tra cuối học kỳ 2, HS khối 7 của trường đã thực hiện dự án mang tên “Cất lời”, hùng biện về các chủ đề nóng như bạo lực gia đình, áp lực học hành… Hay HS khối 6 thuyết trình tiếng Anh kêu gọi vốn khởi nghiệp theo mô hình Shark Tank…
Theo cô Mai Thị Khánh Hòa, GV ngữ văn Trường phổ thông liên cấp Olympia, khi thực hiện kiểm tra đánh giá bằng dự án học tập, điều cô và GV trong trường thấy hạnh phúc nhất là HS hào hứng tham gia. Không có áp lực phải kiểm tra một bài trên giấy căng thẳng, HS được chơi, trải nghiệm, trình bày những quan điểm của mình về vấn đề mà mình quan tâm.
Cô Nguyễn Kiều Anh, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên (Trường liên cấp tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội), cũng cho biết với môn khoa học tự nhiên ở cấp THCS, nếu kiểm tra theo cách truyền thống thì sẽ rất “chật vật”. Do vậy, đến năm lớp 7, ở bài kiểm tra giữa kỳ, thay vì kiểm tra giấy, nhà trường có những dự án học tập cho HS thực hiện trong 2 tuần. Ví dụ, dự án “Điều kỳ diệu của ánh sáng”, trong đó HS sẽ được thực hành việc trồng cây ở nhà và quan sát xem hướng chiếu sáng, cường độ ánh sáng ảnh hưởng như thế nào; nếu không có ánh sáng thì cây có quang hợp được không? HS làm những chủ đề này dưới sự hướng dẫn của GV, các em sẽ hiểu được cây quang hợp cần phải có ánh sáng, rồi sự quang hợp diễn ra như thế nào lại có liên quan tới kiến thức hóa học ở trong đó…
Từ sự đổi mới trên, cô Kiều Anh nhận ra HS rất hứng khởi khi được hoạt động nhóm với nhau, được trồng cây, báo cáo về sản phẩm.
Thầy T.T.Đạt, GV dạy toán một trường THCS tại Q.12, TP.HCM, cho biết với đặc thù môn toán, thầy không kiểm tra miệng đầu giờ với học trò. Thay vào đó thầy cho HS sửa bài tập về nhà để ôn lại bài cũ. Ngoài ra, nếu cần nhắc lại một kiến thức cũ trong quá trình học, thầy sẽ gọi học trò giơ tay phát biểu, cách làm này sẽ động viên HS nắm kiến thức đã học sẽ trình bày cho cả lớp nghe. Như vậy, các HS khác cũng muốn được phát biểu như bạn sẽ cố gắng ôn bài, học bài kỹ hơn.
Thầy T.T.Đạt cho biết với chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ở cấp THCS đang thực hiện tại các lớp 6, 7, 8), các HS sẽ có 4 cột kiểm tra thường xuyên và các cột điểm kiểm tra định kỳ.
“Trong 4 cột kiểm tra thường xuyên, sẽ có 3 cột làm theo dạng bài kiểm tra, như kiểm tra 15 phút. Cột còn lại thì tùy vào GV. Tôi thích giao cho các học trò một đề tài nào đó. Mọi năm tôi hay giao cho các em về hệ thống lại kiến thức của 1 chương học bất kỳ theo hình thức sơ đồ tư duy hoặc tranh vẽ trang trí để lấy điểm thường xuyên”, thầy Đạt chia sẻ.
KIỂM TRA KIẾN THỨC QUA TRÒ CHƠI
Để HS không còn nỗi sợ hãi, áp lực vì kiểm tra đầu giờ bất chợt, các GV tại TP.HCM tổ chức một cách học rất khác. Theo đó, HS tham gia vào trò chơi trắc nghiệm như quizizz, kahoot để xem “ai trả lời nhanh nhất, ai về đích sớm nhất”… sẽ có điểm thưởng, điểm cộng cho các em.
Thầy Đặng Hữu Trí, Tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), thì tổ chức kiểm tra bằng hình thức giao HS thực hiện sản phẩm học tập ứng dụng kiến thức như thiết kế giác kế. Sau đó HS sẽ tham gia hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường với nhiệm vụ sử dụng sản phẩm của mình để đo chiều cao cây xanh ở công viên Tao Đàn.
Nhóm HS lớp 9/2 Trường THCS Nguyễn Du đã bày tỏ sự hứng khởi với các hình thức kiểm tra của giáo viên môn toán. Một HS cho biết: “Chúng em thích học và kiểm tra bài cũ theo cách như vậy. Vừa học, vừa chơi, vừa tìm hiểu, vừa áp dụng kiến thức trong thực tế một cách nhẹ nhàng chứ không phải là đứng lên “trả bài” công thức hay đọc định nghĩa, định lý một cách bất ngờ”.
Mỗi tiết hóa học của thầy giáo Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), đều được khởi động với nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng hóa như gameshow, trò chơi, hoạt động tương tác. “Tôi luôn tạo nhiều hoạt động tái hiện, kiểm tra kiến thức cũ đầu giờ học để tạo cơ hội cho HS có điểm thưởng, điểm tốt, để các em tự tin và sẵn sàng tâm thế học tập, rèn luyện những chủ đề tiếp theo. Có yêu thích môn học, không khí lớp học sôi nổi, thoải mái thì HS mới sẵn sàng khám phá tri thức, phát triển những năng lực, phẩm chất cần thiết qua từng bài học”, thạc sĩ Thanh nói.
Cách đánh giá mới có tính nhân văn
Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), cho rằng cách đánh giá mới có tính nhân văn là giảm áp lực cho HS. Ví dụ, việc giảm đầu điểm các bài kiểm tra sẽ giảm áp lực học tập. Theo cách đánh giá cũ, môn ngữ văn lớp 9 có đến 18 hệ số điểm/kỳ với 6 bài kiểm tra hệ số 1, 5 bài hệ số 2 và 1 bài kiểm tra học kỳ hệ số 3, thì nay GV có thể đa dạng phương thức đánh giá như giao bài tập, dự án học tập, kiểm tra bài cũ…
Điều này sẽ khác hẳn với việc cứ đến giờ HS phải căng thẳng lấy giấy ra thực hiện một bài kiểm tra viết. “Tuy nhiên, đánh giá cách nào đều do con người thực hiện, đòi hỏi tính khách quan, nhân văn, vì sự tiến bộ của HS. Tôi luôn khuyến khích GV thận trọng trong chuyện đánh giá và phải thực hiện đúng chủ trương nhận xét HS nhằm hướng tới sự tiến bộ, không đòi hỏi sự hoàn thiện. Có chân thực nhưng không quá khắt khe, khắc nghiệt, tạo cơ hội cho HS yêu thích môn học và có động lực phấn đấu”, cô Yến chia sẻ.
Nguồn: thanhnien.vn