Trước kế hoạch chung về phát triển thịnh vượng chung thông qua nền kinh tế số, Trung Quốc đã có các giải pháp để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.
Kinh tế số phát triển mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra không ít các thách thức, điển hình như các hoạt động lừa đảo, lộ lọt thông tin cá nhân và cả những khoảng cách kỹ thuật số, chênh lệch phát triển.
Để thu hẹp “khoảng cách kỹ thuật số”, điều quan trọng nhất là phải mở rộng phạm vi bao phủ của Internet và dịch vụ viễn thông. Tính đến tháng 6 năm nay, tổng số người dùng điện thoại di động của Trung Quốc đã đạt hơn 1,7 tỷ thuê bao, trong khi số người có thể truy cập Internet lên đến 1 tỷ 79 triệu người, chiếm hơn 76 % dân số.
Trung Quốc cũng đưa ra nhiều biện pháp dịch vụ dành cho các “nhóm người yếu thế về kinh tế số” như người già, người sống ở vùng sâu vùng xa.
Chẳng hạn như ở thủ đô Bắc Kinh, trong năm ngoái, các cơ quan liên quan đã triển khai 28 biện pháp cụ thể xoay quanh 7 nhiệm vụ trọng điểm như tiêu dùng, khám chữa bệnh, dịch vụ thủ tục cho người cao tuổi cũng như đảm bảo dịch vụ cho người cao tuổi trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số và các hình thức kinh doanh mới như livestream bán hàng đã và đang góp phần tích cực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, đồng thời cung cấp các giải pháp mới để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có thể nói, về mặt chính sách, giải pháp, Trung Quốc đã và đang triển khai theo hướng đồng bộ, toàn diện để thúc đẩy phát triển kinh tế số gắn với các giá trị bền vững.
Còn từ góc độ các doanh nghiệp, theo các chuyên gia, để có thể đón đầu làn sóng, đảm bảo phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn, an toàn hơn, các doanh nghiệp sẽ cần phải nắm sát các chính sách khuyến khích của nhà nước, tận dụng thời cơ, dựa vào chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa mô hình kinh tế, chú ý đến các vấn đề rủi ro trong quá trình chuyển đổi số để tích cực ứng phó. Và một trong những điều quan trọng nhất là phải chú trọng công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật số để phục vụ sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số.
Không chỉ có đóng góp ngày càng lớn vào GDP, kinh tế số của Trung Quốc đã trở thành một động lực mới cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài.
Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và xác định kinh tế số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Kể từ Đại hội 18 năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã ban hành và triển khai hàng loạt văn kiện, chính sách ở cấp cao nhất như “Đề cương triển khai chiến lược cường quốc mạng”, “Đề cương chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia”, đồng thời liên tục đưa mục tiêu phát triển kinh tế số vào các Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng số, hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng Internet hiện đại để tạo bệ phóng cho kinh tế số. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã xây dựng hơn 2,3 triệu trạm phát sóng 5G, cũng như mạng lưới cáp quang tốc độ 1Gb/giây có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 500 triệu hộ gia đình. Cùng với đó, Trung Quốc cũng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan như “Luật Thương mại điện tử”, “Luật An ninh mạng”…, qua đó từng bước chuẩn hóa, đảm bảo sự phát triển có trật tự của kinh tế số. Nhờ các chính sách trên mà Trung Quốc đã chuyển đổi nhanh chóng, tích hợp sâu rộng công nghệ số vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, đống góp hơn 41% GDP của nước này trong năm ngoái.
Nguồn: vtv.vn