KINH TẾ CUỐI TUẦN: Thách thức tăng trưởng kinh tế vẫn rất lớn!

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 6,5%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã thông tin về tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 5,64%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ 2 kịch bản.

Cụ thể: Kịch bản thứ nhất: Tăng trưởng đạt 6% hết năm nay theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Mức tăng trưởng này đạt được với điều kiện dịch cơ bản được khống chế, không có các ổ dịch ở các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội. Theo đó, đến quý III sẽ đạt tăng trưởng khoảng 6,2%, quý IV sẽ đạt khoảng 6,5%.

Kịch bản thứ 2: Tăng trưởng đạt 6,5% theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Mục tiêu này đạt được với điều kiện cơ bản khống chế được dịch trong tháng 6 năm nay, không có các ổ dịch tại khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội. Với kịch bản này thì đến quý III mức tăng trưởng từ 7% trở lên và quý IV phải tăng 7,5% trở lên.

–> Xem thêm TẠI ĐÂY.

“Đây là mục tiêu rất khó khăn” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh về kịch bản tăng trưởng thứ 2 và cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp thì “khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5%” theo kịch bản thứ nhất.

Và để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 6,5%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%. Theo các chuyên gia đây là thách thức không nhỏ trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và đang tác động mạnh tới những “đầu tàu” dẫn dắt tăng trưởng.

–> Xem thêm TẠI ĐÂY.

Theo TS. Cấn Văn Lực, với kết quả của quý II rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I/2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 7%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

KINH TẾ CUỐI TUẦN: Thách thức tăng trưởng kinh tế vẫn rất lớn!

Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, trong đó có hàng không.

“Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó”, ông Lực nhận định, đồng thời cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt mức từ 6,1% – 6,3%.

Để phục hồi kinh tế, nỗ lực để đạt được tăng trưởng cao nhất trong năm nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ưu tiên hàng đầu là phải tiếp tục các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh.

–> Xem thêm TẠI ĐÂY.

Theo TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam, ưu tiên số một hiện nay là phải dập dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, còn những biện pháp khác để kích thích kinh tế mạnh mẽ cần phải rất thận trọng. Bởi lẽ, các dư địa về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ năm nay đã bị thu hẹp rất nhiều. Trong khi ngân sách vẫn eo hẹp, các áp lực về lạm phát đang tăng lên, dẫn đến khả năng hạ được lãi suất ngày càng khó khăn hơn. “Cách tốt nhất bây giờ là cần  phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, xác định các khoảng trống để bổ sung, hỗ trợ cho nhau” – chuyên gia này đề xuất.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cả nước quyết tâm đạt “mục tiêu kép” nhưng cần phải để ý cả khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô. “Ổn định vĩ mô không chỉ ở các chỉ số kinh tế mà cả vấn đề lao động, an sinh xã hội. Theo đó, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đánh giá cả ba trụ cột: phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tuấn lưu ý.

Ngoài ra, trong điều kiện chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích nghi với bối cảnh mới. Cụ thể, nên tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; không ban hành các chính sách làm tăng chi phí, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này…