Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, mặc dù HĐND TP HCM đã có quyết nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5, điều 1 nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, theo đó lùi thời gian thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại cảng biển 3 tháng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiêp cho biết thời gian này là quá ngắn để doanh nghiệp kịp phục hồi. Đặc biệt, doanh nghiệp cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển này là không phù hợp với hàng quá cảnh đường thuỷ.

Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ

Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tân Cảng CYPRESS cho biết, theo nghị quyết của HĐND TP.HCM về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại tất cả các cảng biển, hàng quá cảnh, chuyển khẩu chịu mức phí là 4,4 triệu đồng với container 40 feet và 2,2 triệu đồng đối với container 20 feet.

Theo đó, việc áp dụng đối với tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại tất cả cảng biển ở TP. HCM ngoài khiến nguồn hàng “chảy” sang cảng khác là bất hợp lý với hàng quá cảnh, chuyển khẩu.

Bởi hàng quá cảnh, chuyển khẩu chỉ luân chuyển trong khu vực nội bộ cảng và chuyển đi bằng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông, không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

“Do đó, việc thu thêm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển là bất hợp lý, đồng thời sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp vận tải đường thủy (tăng khoảng 330 tỉ đồng/năm) và tăng giá cước vận chuyển…”, Tổng giám đốc Tân Cảng CYPRESS cho ý kiến.

Tại văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đánh giá, việc thu phí hạ tầng cảng biển với hàng quá cảnh, chuyển khẩu bằng đường thuỷ nội địa này là bất hợp lý bởi hàng quá cảnh, chuyển khẩu chỉ luân chuyển trong khu vực nội bộ cảng và chuyển đi bằng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông, không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

Cục Đường thủy nội địa dự tính, việc thu thêm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển sẽ khiến cho doanh nghiệp vận tải đường thủy bị tăng gánh nặng chi phí khoảng 330 tỉ đồng/năm.

Do đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có văn bản đề nghị HĐND TP.HCM xem xét miễn phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên trong quyết định sửa đổi bổ sung khoản 5, điều 1 nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của TP HCM mới đây không đề cập tới vấn đề này mà chỉ quyết định lùi thời gian thu phí vỏn vẹn 3 tháng.

Trước văn bản của Cục Đường thuỷ nội địa, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải container đường thủy Việt Nam – Campuchia cũng đã gửi đề xuất không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa quá cảnh đi Campuchia và các địa phương trong cả nước.

Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ

Cục Đường thuỷ nội địa đánh giá, nếu miễn phí cho 150.000 container hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy, khoảng 1,9% lượng container thông qua cảng biển TP.HCM mỗi năm sẽ giữ được nguồn hàng quá cảnh, chuyển khẩu thông qua cảng biển TP.HCM.

Qua nghiên cứu các đề xuất, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận định hằng năm có khoảng 150.000 container (tiêu chuẩn 20 feet) hàng quá cảnh, chuyển khẩu chở bằng đường thủy từ cảng biển TP.HCM đi cảng Phnom Penh trên tuyến vận tải thủy Việt Nam – Campuchia.

Theo tính toán, 150.000 container hàng quá cảnh bằng đường thủy mang lại việc làm cho người lao động và nguồn lợi kinh tế cho các doanh nghiệp dịch vụ xếp dỡ, doanh nghiệp vận tải đường thủy vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải thủy Việt Nam – Campuchia khoảng 430 tỉ đồng/năm.

Cục Đường thuỷ nội địa cũng cho rằng, việc gây gánh nặng chi phí này cho doanh nghiệp sẽ khiến “chảy máu” nguồn hàng sang các cảng biển hoặc thay đổi phương thức vận chuyển, gây thất thoát nguồn thu cho doanh nghiệp, giảm nguồn thu ngân sách.

“Đặc biệt không khuyến khích phát triển vận tải đường thuỷ nội địa theo tinh thần Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa”, văn bản của Cục Đường thuỷ nội địa nêu rõ.

Do đó, Cục Đường thuỷ nội địa đánh giá, nếu miễn phí cho 150.000 container hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy, khoảng 1,9% lượng container thông qua cảng biển TP.HCM mỗi năm sẽ giữ được nguồn hàng quá cảnh, chuyển khẩu thông qua cảng biển TP.HCM.

Đồng thời đảm bảo lợi ích, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa và doanh nghiệp xếp dỡ của Việt Nam, khuyến khích phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông đường bộ.