Người lao động lâm vào cảnh “bi đát”

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là thời điểm khó khăn chưa từng có của ngành đường sắt.

Ngoài ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện gói 7.000 tỷ đồng trong thi công, đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt và tình hình lũ lụt miền Trung cũng ảnh hưởng lớn đến lịch chạy tàu.

 
"Bình oxy" của đường sắt

Do ảnh hưởng dịch bệnh, các đoàn tàu vắng khách phải dừng hoạt động dẫn đến người lao động không có việc làm.

Tính riêng trong dịp cao điểm Tết nguyên Đán 2020 và nghỉ lễ 30/4 vừa qua, VNR đã phải huỷ 2.300 đoàn tàu do hành khách trả lại hơn 232.000 vé (hoàn trả lại 195,5 tỷ đồng). Nguồn thu chính từ vận tải khách không được duy trì, trong khi vận tải hàng hoá chiếm thị phần nhỏ (30%) nên VNR rất khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền để duy trì hoạt động.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, các đoàn tàu vắng khách phải dừng hoạt động dẫn đến người lao động không có việc làm. Riêng đơn vị vận tải của VNR đã có hơn 13.000 người bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm, trong đó có 1.627 người nghỉ việc, tạm dừng hợp đồng lao động.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, do đơn vị hiện chỉ chạy một nửa đôi tàu thống nhất (một chiều Hà Nội – TP. HCM) và 1 đôi tàu Hà Nội – Hải Phòng nên số lao động không có việc làm lớn.

Trong số hơn 3.500 người lao động của công ty thì hiện đã có gần 1.000 người nghỉ việc không lương và tạm dừng hợp đồng.

Ông Hiệp chia sẻ, lao động đường sắt là ngành đặc thù, thu nhập thấp nên đa số không có tích luỹ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thực sự rất khó để tìm việc mới. Thậm chí ngay với cả người đang làm việc với mức lương chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng thì cũng rất khó khăn.

Ông Hiệp cho biết, trong bối cảnh khó khăn, ngay từ năm 2020 đơn vị đã chủ động tiếp cận gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên khi tiếp cận, căn cứ điều kiện thì doanh nghiệp và người lao động lại không thuộc đối tượng.

Sắp thua lỗ hết vốn điều lệ

Được biết, vốn điều lệ của đơn vị chỉ khoảng 3.250 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản, tiền mặt chiếm phần nhỏ.

Trong năm 2020, lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, VNR đã phải ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ. Nếu như 3 dự án cải tạo hạ tầng đường sắt Thống Nhất được triển khai đồng loạt trong năm 2020, khiến nhiều đoạn tuyến bị phong tỏa, gián đoạn khai thác trong nhiều thời điểm đã được VNR nhận diện, thì dịch Covid -19 bùng phát với 2 đợt giãn cách xã hội đã khiến VNR vốn đã “ốm yếu” từ nhiều năm trước không thể gượng nổi.

Riêng năm 2020, Tổng công ty đã thua lỗ 1.324 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến lỗ 940 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 77% cùng kỳ năm 2020 và bằng 53% so với năm 2019 với khoản lỗ dự kiến lên tới 942 tỷ đồng.

Tổng công ty đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp ngắn hạn và dài hạn để quản trị dòng tiền nhằm duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm 2021 và kéo dài sang nửa đầu năm 2022, VNR sẽ mất hết vốn chủ sở hữu, đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, thậm chí có thể phải dừng sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân chính của việc sụt giảm doanh thu, sản lượng là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc thi công đồng loạt gói 7.000 tỷ trên toàn tuyến Bắc – Nam.

Nếu so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch, doanh thu vận tải hành khách chỉ bằng 5 – 7%/ngày. Trong khi vận tải hành khách tạo ra nguồn thu chính, tạo ra dòng tiền mặt, chiếm đến hơn 60%, có giai đoạn hơn 70% nguồn thu của Tổng công ty các năm trước khi xảy ra dịch.

"Bình oxy" của đường sắt

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc thi công đồng loạt gói 7.000 tỷ trên toàn tuyến Bắc – Nam.

Doanh thu vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến hụt một lượng tiền lớn. Dự báo nếu dịch còn kéo dài sang năm 2022, Tổng công ty sẽ thua lỗ hết vốn điều lệ.

“Một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không hẳn là do thua lỗ hết vốn chủ sở hữu, mà là do mất khả năng thanh khoản, không duy trì cân đối được dòng tiền, thu không đủ chi, không có tiền trả cho nhà cung cấp, người lao động và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Khi không có nguồn đầu vào, doanh nghiệp không hoạt động được, sẽ phải dừng”, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch – Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt VN trả lời trên VTC.

Dự kiến trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 VNR lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Mới đây VNR đã có văn bản gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xin vay 800 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để duy trì hoạt động.

Theo VNR, đây là mức tối thiểu để duy trì dòng tiền hoạt động, cố gắng cầm cự với tính toán các chi phí thấp nhất.

Số tiền này sẽ giúp Tổng công ty duy trì được trạng thái hoạt động bình thường trong giai đoạn này, đảm bảo người lao động có việc làm, thu nhập.

Lý giải vì sao không vay thương mại mà vay bằng nguồn vốn ưu đãi không tính lãi của Nhà nước, ông Nam cho hay, nếu vay thương mại, các điều kiện hiện nay của Tổng công ty khó đáp ứng. Bởi, báo cáo tài chính từ năm 2020 đến nay liên tục thua lỗ; tài sản đảm bảo cũng không có nhiều, do hạ tầng, nhà đất đường sắt là của Nhà nước, phương tiện vận tải quá cũ, giá trị còn lại thấp…

“Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Bộ KH&ĐT đề xuất chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như Tổng công ty Đường sắt VN, cần có giải pháp hỗ trợ chung của Nhà nước” 

Lấy gì để… trả nợ?

Một lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trước khi bùng phát dịch Covid-19, đường sắt đã rất khó khăn, nay do ảnh hưởng của dịch lại càng lỗ, nếu không có giải pháp hỗ trợ, nguy cơ sắp hết vốn Nhà nước là hiện hữu.

Nếu VNR dừng hoạt động, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của đơn vị này mà còn ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của lĩnh vực GTVT đường sắt và đời sống, việc làm của hàng vạn lao động.

"Bình oxy" của đường sắt

Về lâu dài, bản thân VNR phải tái cấu trúc cả về bộ máy, nhân lực, nguồn vốn để giảm thiểu khó khăn.

Về khả năng trả nợ, theo lãnh đạo VNR, dự kiến hết năm 2022, khi dịch được khống chế, hoạt động đường sắt mới trở lại bình thường. Gói 7.000 tỷ sau khi hoàn thành sẽ làm tăng năng lực vận tải, giúp Tổng công ty tăng sản lượng vận chuyển, tăng doanh thu, đảm bảo có khả năng để trả nợ.

Tuy nhiên, về lâu dài, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam Bùi Xuân Phong cho rằng, bản thân VNR phải tái cấu trúc cả về bộ máy, nhân lực, nguồn vốn để giảm thiểu khó khăn. Về lâu dài không thể cứ thiếu vốn là xin vay hỗ trợ. VNR phải tính tới bỏ những tuyến vận tải kinh doanh lỗ, duy trì những tuyến trọng điểm kinh doanh có lãi để giảm thiểu khó khăn. 

Bên cạnh đó, cần có phương án dài hơi, không thể cứ thiếu vốn lại kiến nghị hỗ trợ. Cần tái cơ cấu lại vận tải một cách chi tiết, rà soát xem sản phẩm nào, tuyến nào, tàu nào lỗ thì dừng lại, sản phẩm nào hiệu quả thì duy trì, đầu tư, phát triển; xác định cơ cấu, tỉ trọng giữa tàu khách, tàu hàng… để có phương án lâu dài, không nên “ăn đong” từng ngày.

“Về khoản vay khẩn cấp như đề xuất, nếu Nhà nước cho vay để duy trì hoạt động trong tình hình khó khăn hiện nay là quá tốt. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng lãi suất ưu đãi, thay vì 0%”, ông Phong cho biết.