MoMo, một Fintech hàng đầu ở Đông Nam Á đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm Alibaba, Tencent và những người khác đầu tư vào khu vực và triển khai hàng trăm triệu đô la. Mới đây nhất là Warburg Pincus cũng tham gia cùng họ.

MoMo “đón trâu đón cả nghé”!

MoMo, ví điện tử hàng đầu của Việt Nam.

Trước đó, Momo đã có một số nhà đầu tư tên tuổi, bao gồm Standard Chartered dẫn đầu vòng gọi vốn 28 triệu USD vào năm 2016, trong khi Goldman Sachs đầu tư 5,8 triệu đô la Mỹ vào năm 2013.

MoMo được thành lập hơn một thập kỷ trước, họ đảm nhận mảng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam, thị trường gần 100 triệu dân, 1/4 trong số đó có độ tuổi dưới 25. Momo bắt đầu cung cấp thanh toán kỹ thuật số thông qua ứng dụng ví điện tử.

Sau đó, họ đã mở rộng sang lĩnh vực thanh toán hóa đơn tiện ích và nạp tiền qua điện thoại di động, cũng như các lĩnh vực như vé xem phim, chuyến bay hàng không và thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại 100.000 điểm thanh toán trên toàn quốc, bao gồm các chuỗi phổ biến. 

Đặc biệt, gần đây MoMo đã bắt đầu cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn cho các khoản vay và CEO của họ cho biết họ đang phát triển một hệ thống chấm điểm tín dụng cho phép họ giới thiệu các dịch vụ tài chính cho người dùng cùng với các tổ chức tài chính.

Và giờ đây trong một thông báo, MoMo cho biết họ đã mua toàn bộ tài sản trí tuệ của Pique, kèm theo đó là thuê luôn đội ngũ kỹ thuật và khoa học dữ liệu của Pique, không những thế, họ còn “cuỗm” luôn cả Trịnh Xuân Tuấn, người sáng lập công ty khởi nghiệp AI này. 

Trên thực tế, Pique được thành lập vào năm 2016, với cái tên đầu tiên là Next Smartly, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp số thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử, nội dung đến giải trí như nghe nhạc và live streaming (các chương trình truyền phát trực tiếp).

Với giải pháp của Pique, các doanh nghiệp có thể cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng, trực tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua việc cá nhân hóa theo thời gian thực (đây là một khái niệm của “gã khổng lồ” Amazon là Amazon Personalize, nó cho phép các nhà phát triển xây dựng ứng dụng bằng chính công nghệ máy học (ML) mà Amazon.com dùng để đề xuất các nội dung cá nhân hóa theo thời gian thực, kể cả khi họ chưa có chuyên môn về ML).

Đồng nghĩa với việc đó là các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng gấp đôi lượng khách tìm kiếm các sản phẩm của công ty trên website, đồng thời tăng tỷ lệ mua hàng, giá trị đơn hàng nhờ việc đưa ra những đề xuất sản phẩm phù hợp.

Dù rất mới mẻ trong cộng đồng startup Việt Nam nhưng Pique lại là một doanh nghiệp rất tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Đặc biệt, năm 2019, họ đã gọi vốn thành công với Quỹ 500 Startups Vietnam đến từ Mỹ, GS SHOP đến từ Hàn Quốc và một số nhà đầu tư thiên thần danh tiếng và giàu kinh nghiệm như Tina Ju, người đứng sau các khoản đầu tư ban đầu rất thành công vào Alibaba và Baidu ở Trung Quốc.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Tech in Asia , MoMo đã huy động được khoảng 232,7 triệu USD cho đến nay. Công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà khi Việt Nam đã trở thành chiến trường fintech cho các đối thủ trong khu vực muốn có một phần của nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ của đất nước.

MoMo “đón trâu đón cả nghé”!

Ông Trịnh Xuân Tuấn – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Pique, trở thành Giám đốc Khoa học Dữ liệu của Ví MoMo.

Giờ đây có thể thấy, mặc dù đây là thương vụ M&A đầu tiên của MoMo, song người ta đang “mường tượng” ra một kẻ liều lĩnh, năng động và nhanh nhẹn trong việc tìm hiểu thị trường cùng khả năng trang bị công cụ cần thiết để hiểu hơn nữa nhu cầu đa dạng của hàng chục triệu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu của mỗi người dùng.

Trong tương lai, MoMo kỳ vọng sẽ phát triển trở thành một “siêu ứng dụng” của Việt Nam, dựa trên nền tảng công nghệ AI vững mạnh mà đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt xây dựng và sáng tạo sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong quá trình chuyển đổi số.