Andy Jassy sẽ nắm quyền lãnh đạo khi sức mạnh của Amazon lên một tầm cao mới. Đại dịch đã đẩy mạnh mua sắm trực tuyến và năm 2020 được coi là cực kỳ thành công đối với Amazon với dòng tiền hoạt động tăng 72% so với năm trước lên 66,1 tỷ USD và doanh thu ròng tăng 35% lên 386,1 tỷ USD.

Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

Jeff Bezos đã từ chức CEO của Amazon sau 27 năm gắn bó.

Dù vẫn còn đó những “lùm xùm” xung quanh điều kiện làm việc, giảm thiểu thuế, các hoạt động chống cạnh tranh và quyền riêng tư. Nhưng kích thước rộng lớn và sự phát triển liên tục phi thường của Amazon đã khiến họ trở thành một “gã khổng lồ trong những gã khổng lồ” của nước Mỹ.

Song, làm thế nào mà Amazon có được vị trí này, và tương lai sẽ ra sao dưới sự lãnh đạo mới của Andy Jassy sau “Triều đại của Bezos”?

Khởi nguồn và sự trỗi dậy của Amazon

27 năm trước, chính xác vào năm 1994, Bezos rời bỏ công việc là phó chủ tịch cấp cao của một quỹ đầu cơ và bắt đầu mở một cửa hàng sách trực tuyến trong gara của mình. Vào thời điểm đó, việc sử dụng Internet để bán lẻ vẫn còn rất sơ khai.

Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

Thuở ban đầu của “gã khổng lồ” thương mại điện tử là một cửa hàng sách trực tuyến.

Bezos quyết định rằng, sách là một sản phẩm lý tưởng để bán trực tuyến. Ban đầu doanh nghiệp mới có tên là Cadabra, nhưng Bezos đã nhanh chóng đổi nó thành Amazon và vay 300.000 USD từ cha mẹ mình để khởi nghiệp.

Sau khi số lượng người mua trực tuyến ngày càng tăng, Bezos bắt đầu thêm các sản phẩm và dịch vụ khác vào kho hàng của Amazon. Ngày nay, nguồn thu chủ yếu của Amazon đến từ bán lẻ, dịch vụ web và đăng ký người dùng.

Amazon hiện là một trong những công ty giá trị nhất hành tinh, trị giá hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Con số này còn nhiều hơn GDP của bất cứ quốc gia nào trừ 10 cường quốc. Đồng thời, đây cũng là nhà tuyển dụng lớn nhất trong số các công ty công nghệ.

Chìa khóa cho sự trỗi dậy và thống trị của Amazon là không ngừng mở rộng. Các dòng sản phẩm của Amazon hiện bao gồm “tất tật” các thứ từ phương tiện truyền thông, đồ dùng nhà bếp và ăn uống, đồ chơi và trò chơi, thời trang và sản phẩm làm đẹp, thực phẩm và cửa hàng tạp hóa, đồ thể thao, thuốc và dược phẩm, dịch vụ tài chính và nhiều hơn thế nữa.

Gần đây, họ tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực truyền thống, như việc mua chuỗi Whole Foods vào năm 2017, việc thành lập các cửa hàng công nghệ cao của riêng mình như Amazon Go, và các dịch vụ phân phối và giao hàng phức tạp như Amazon Prime.

Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

Amazon ngày càng trở nên đa dạng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Amazon ngày càng trở nên tích hợp theo chiều dọc, có nghĩa là họ không còn chỉ đơn thuần là bán sản phẩm của người khác mà là sản xuất và bán sản phẩm của chính mình. Điều này mang lại cho công ty một vị thế thống trị thị trường một cách cực đoan.

Có thể thấy, vị thế ngày nay của Amazon hầu hết đều được tạo dựng bởi một tay của người điều hành tiền nhiệm Jeff Bezos, nhưng khi ông ra đi, tương lai của Amazon sẽ ra sao?

Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

Theo các chuyên gia phân tích đánh giá, rất khó để thấy được một sự thay đổi mạnh mẽ trong ngắn hạn. Bởi, có thể Jeff Bezos sẽ không rời đi hoàn toàn, ông ấy sẽ tiếp tục tham gia với tư cách “người quan sát”. Thêm vào đó, người kế nhiệm của ông, Andy Jassy, gắn bó với Amazon từ năm 1997, do một tay ông đào tạo và cất nhắc.

Amazon ra sao sau kỷ nguyên Jeff Bezos?

Andy Jassy người kế nhiệm Jeff Bezos.

Jassy là người đứng đầu Amazon Web Services (AWS) và là một trong những người quan trọng nhất trong ngành công nghệ. AWS đã đi đầu trong việc đơn giản hóa các dịch vụ điện toán đám mây, thúc đẩy cuộc cách mạng điện toán và ảnh hưởng đến cách các tổ chức mua công nghệ.

Theo Bill Carr, cựu Phó chủ tịch Amazon Prime Video và đồng tác giả của cuốn sách về Amazon Working Backwards cho rằng, Andy Jassy là một nhà lãnh đạo công ty hiếm hoi sở hữu khả năng nhanh chóng hiểu được chi tiết tận gốc của một dự án hoặc vấn đề, cũng như bối cảnh rộng hơn của những tình huống nhất định.

Trong khi Nicholas McQuire, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại CCS Insight, cho biết: “Rất ít người trên hành tinh có khả năng quản lý cỗ máy siêu tăng trưởng của Amazon bằng hoặc tốt hơn Andy Jassy”.

Đặc biệt, theo một hồ sơ gần đây trên Business Insider, Jassy là một người cực kỳ cẩn thận và chi tiết, mặc dù có hàng nghìn quyết sách cần phải xem xét trong một ngày nhưng ông vẫn xem xét mọi thông cáo báo chí của Amazon Web Services trước khi công bố.

Có thể thấy, với một sự lịch lãm cần thiết, sự gắn bó đủ dài với truyền thống công ty, thêm vào đó là kiến thức sâu rộng về tổ chức và chuyên môn công nghệ của Jassy, chắc chắn sẽ giúp Amazon có một sự thay thế xứng đáng.

Tuy vậy, sau một năm 2020 cực kỳ thành công với Amazon ở khía cạnh kinh doanh, Jassy kế thừa công ty ở một thời điểm cũng nhạy cảm không kém khi mà họ đang gặp những lời chỉ trích gia tăng từ nhiều góc độ và ở nhiều nơi trên thế giới.

Đã từ lâu, Amazon phải đối mặt với sự chỉ trích công khai từ các nhà hoạt động lao động, công đoàn và chính trị gia, cũng như từ một số nhân viên của chính công ty – về cách đối xử của họ với người lao động. 

Ngoài ra, “gã khổng lồ” thương mại điện tử cũng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều về quy định liên quan đến quy mô kinh doanh khổng lồ của họ. Bezos đã xuất hiện trước Quốc hội cùng với các CEO Big Tech khác vào mùa hè năm ngoái để làm chứng tại một phiên điều trần về chống độc quyền, nơi ông nghiên cứu về cách tiếp cận của Amazon đối với việc định giá, mua lại và cách họ sử dụng dữ liệu từ người bán bên thứ ba. 

Cuối cùng, đại dịch đã đẩy mạnh việc mua sắm trực tuyến và tạo điều kiện lý tưởng cho Amazon trở thành một công ty được mệnh danh là “cửa hàng mọi thứ”. Nhưng, với những khó khăn thách thức trong môi trường hậu COVID-19 và đặc biệt là thiếu đi một kiến trúc sư cho sự thành công như Jeff Bezos, có thể người ta vẫn không biết được tương lai của Amazon sẽ ra sao…