Đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã quá giới hạn chịu đựng, đứng trước nguy cơ phá sản. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá đợt dịch lần thứ 4 này có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả 3 đợt dịch trước cộng lại.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất 6 giải pháp “cứu” doanh nghiệp

Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa và rút lui khỏi thị trường.

Do đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã “đến giới hạn chịu đựng”, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc, lãi ngân hàng đúng hạn, đối diện với việc bị xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm.

Theo đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, nếu tình hình khó khăn kéo dài, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, người lao động mất việc làm, vì vậy tổ chức này đề xuất 6 giải pháp để “cứu” doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, đề xuất Chính phủ sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Thứ hai, giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

Thứ ba, hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Do đó, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 đến 2%/năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021). Hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.

Thứ tư, giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng (chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản…) cũng áp dụng cho 12 tháng từ tháng 7/2021.

Thứ năm, không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỉ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước đây cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì nay cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Thứ sáu, thành lập Ban nghiên cứu phát triển các giải pháp fintech và đồng tiền kỹ thuật số theo tinh thần Quyết định 942 ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam được tham gia vào ban này, nhằm tận dụng khả năng sáng tạo và thế mạnh về công nghệ của hơn 10.000 hội viên doanh nhân trẻ.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất 6 giải pháp “cứu” doanh nghiệp

Hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi.

Hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có hơn 10.000 hội viên đang điều hành hàng chục ngàn doanh nghiệp với hơn 3 triệu lao động. Trong đó, có 98% hội viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó bao gồm 35.600 đơn vị tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942.600 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484.300 lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 26.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên 93.200 đơn vị. Như vậy trung bình mỗi tháng có 15.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.