Những bất đồng liên quan đến chính sách về Trung Quốc giữa các nhà lãnh đạo G7 đã được thể hiện qua cuộc tranh luận ngày 12.6. Trong ngày làm việc thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra tại Cornwall (Anh), Trung Quốc trở thành chủ đề chính yếu và gây tranh cãi gay gắt.
Theo CNN, những bất đồng trong cuộc họp có thời điểm trở nên nhạy cảm đến mức toàn bộ internet trong phòng bị ngắt.
Mỹ, Anh và Canada kêu gọi hành động mạnh hơn với Trung Quốc trong khi các nước châu Âu phản đối. Các quan chức mô tả vấn đề Trung Quốc là một trong những chủ đề thách thức nhất tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này.
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói vấn đề không phải là có hay không mối đe dọa từ Trung Quốc, mà là liệu các thành viên G7 sẵn sàng đối phó mạnh mẽ đến mức nào.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi cách tiếp cận chung mạnh mẽ hơn trước các hành vi của Trung Quốc
|
Có thời điểm, Tổng thống Biden đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về việc chỉ ra những hành động chống dân chủ của Trung Quốc và nhấn mạnh cần có hành động. Lãnh đạo Anh, Canada và Pháp ủng hộ nhưng Đức và Ý mong muốn tìm những lĩnh vực có thể hợp tác với Trung Quốc.
Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời một quan chức châu Âu phản ứng lại việc phía Mỹ đóng khung cuộc thảo luận theo hướng Đức và Ý có thái độ mềm mỏng hơn với Trung Quốc so với các thành viên G7 khác.
Các lãnh đạo trong cuộc họp G7 mở rộng ngày 12.6
|
Về đề xuất lập lực lượng chuyên trách về Trung Quốc, quan chức này nói rằng toàn bộ thành viên G7 đều ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc với chiến lược làm việc với Bắc Kinh về biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại và chỉ trích về nhân quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ý Mario Draghi muốn làm rõ những thẩm quyền cụ thể của tổ chuyên trách này.
Một quan chức châu Âu khác cho hay Đức do dự về sáng kiến của Mỹ nhằm lập dự án cơ sở hạ tầng-thương mại mới cạnh tranh với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc vì Berlin tin rằng phương Tây đã có những hành động để hạn chế Trung Quốc.
Kết thúc ngày làm việc, một quan chức Nhà Trắng cho biết dù có nhiều khác biệt về Trung Quốc nhưng các lãnh đạo đã tìm thấy điểm chung, gồm hợp tác phản ứng hành động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, sẵn sàng lên tiếng về lạm dụng nhân quyền, và hành động trước vấn đề lao động cưỡng ép trong chuỗi cung ứng.