“Cột mốc chủ quyền cũng như ánh trăng”
Ở bản Kỳ Nơi xa xôi, thuộc xã A Vao (H.Đakrông, Quảng Trị), có một người tên là Côn Nô. Cơ ngơi của người đàn ông Pa Kô đã bước qua tuổi 46 này là một ngôi nhà sàn xa nhất bản Kỳ Nơi (nằm giữa 3 cột mốc quốc giới 624, 625, 626 trên tuyến biên giới Việt – Lào) và 13 người con. Muốn vào thăm Côn Nô, dù có biên phòng dẫn đường, cũng phải đi bộ gần 2 tiếng, kể từ điểm cuối cùng của con đường mòn mà xe máy có thể trườn qua.
Chúng tôi đến nơi khoảng đầu giờ chiều, vừa hay Côn Nô cũng trở về nhà sau 1 buổi sáng lên rừng, sau lưng ông là gùi mây nặng trịch. Cởi tấm áo bạc thấm đẫm mồ hôi, để lộ tấm ngực trần săn chắc, Côn Nô nói nhẽ ra ông về nhà sớm hơn, nhưng tiện đường, ghé thăm cột mốc đường biên và phát đám cỏ dại chung quanh đó.
Côn Nô là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Nơi ông sống, từng là 1 bản làng đông đúc, người Pa Kô quần tụ. Nhưng theo thời gian, “tiếng gọi” của thung lũng Pa Lin với những điều kiện sống tốt hơn đã kéo nhiều hộ gia đình về dựng nhà ở đó. Cuối cùng, ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ còn gia đình của Côn Nô ở lại, làm bạn với rừng, với núi.
Ông Hồ Rây (thứ 2 từ phải qua) luôn là “tai mắt” của biên phòng dọc đường biên giới
|
Bên bếp lửa đượm nồng giữa nhà sàn như bao ngôi nhà khác của người vùng cao, Côn Nô bảo ông ở lại nơi miền biên ải này không phải vì “trái tính trái nết” mà vì người cha già của mình. “Cha tôi chưa bao giờ muốn rời xa góc rừng này. Ông nói, ông lớn lên ở đây, khai hoang ở đây, lập gia đình và sinh con đẻ cái ở đây thì sẽ chết ở đây”, Côn Nô kể.
Vậy nhưng, khi Vỗ Nô (cha của Côn Nô) “về với đất” đã 2 năm rồi, thì ngôi nhà Côn Nô vẫn ở đó, trơ trọi 1 mình cạnh đường biên, dẫu có rất nhiều người họ hàng lên thuyết phục Côn Nô đưa vợ con rời rừng xuống thung lũng Pa Lin. Người vùng cao chỉ nói 1 lời và Côn Nô vẫn chỉ biết lắc đầu…
Sự “cứng đầu” của Côn Nô là có lý do, rằng trước khi nhắm mắt, cha ông đã trao lại một kỷ vật cùng một trọng trách. Nói đoạn, Côn Nô lấy ra một túi thổ cẩm nhỏ, nhuốm màu thời gian, trong đó có huy hiệu “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” mà Bộ đội biên phòng đã tặng cho cha ông trước đó.
Côn Nô làm sao quên được những ngày còn bé, cha thường dẫn đứa con trai duy nhất của mình đi thăm rừng, thăm cột mốc. “Một vòng của cha con tôi là đến cột mốc 626, 624 và 625, bán kính chỉ 5 km thôi nhưng phải luồn rừng, vượt dốc và nhiều khe suối. Cha tôi mang theo cây rựa lớn, tôi mang theo cây rựa nhỏ. Đi đến cột mốc nào thì phát quang cỏ lau xung quanh cột mốc đấy. Ông bảo, cột mốc chủ quyền cũng như ánh trăng, phải được mọi người cùng nhìn thấy và có thế mới soi đường cho mọi người”, Côn Nô nhớ lại.
Côn Nô cũng rất nhớ sau mỗi ngày đi “tuần biên” cùng cha, chân ông tứa máu vì những con vắt rừng chực bám vào hút máu. Khi đó, ông Vỗ Nô lại hái lá rừng, nhai nhuyễn rồi đắp vào vết thương của con trai rồi cười, đôi mắt như nói rằng “chẳng sao cả, đã có cha ở đây”.
Với nhiều người, cột mốc chỉ là 1 khối bê tông lạnh ngắt, thì với Côn Nô, ngoài việc nó là hiện diện của Tổ quốc nơi núi rừng biên cương, còn có bóng dáng cha ông. Mỗi lần bước chân ngang qua những cột mốc biên giới, ông như vẫn nghe lời răn của cha về việc phải bảo vệ nơi này, trước kẻ xấu hay chỉ là những đám cỏ mọc “hỗn hào”.
Và như một sự tiếp nối, Côn Nô lại dẫn những đứa con nhỏ của mình đi cùng trong những chuyến lên thăm cột mốc.
Khác với cha ông, Côn Nô có tận 13 đứa, dẫu chẳng học hành gì ghê gớm nhưng đường lên cột mốc chúng rành như lòng bàn tay!
Khi thoát đói nghèo, ông Hồ Rây muốn dân bản Ra Man và Xy Ổi đều được như mình
|
“Lưỡng quốc” già làng
So với Côn Nô, Hồ Rây thậm chí còn làm được… nhiều hơn. Ông Hồ Ray nay đã 70 tuổi, được ca tụng là già làng của cả 2 bản Ra Man (xã Xy, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và Xy Ổi (H.Mường Nòong, tỉnh Savanakhet, Lào).
2 vùng đất cả trăm năm nay đã uống chung dòng nước Sê Pôn – dòng sông biên giới.
Từng là người lính cụ Hồ, bước chân ông Hồ Rây đã được đi nhiều nơi, mắt thấy được nhiều điều mới và bụng đã hiểu những điều tốt. Chính vì thế, khi trở về quê hương, với bàn tay lao động của mình, Hồ Rây đã biến những mảnh đồi hoang vu thành những vườn cây bời lời, hồ tiêu, sắn cao sản ngút ngàn màu xanh… “Ở đây cũng giống như dưới xuôi, làm được thì mới nói được. Chỉ nói mà không làm được thì… ai nghe”, Hồ Rây biện luận.
Khi đã vượt qua cái đói, cái nghèo, Hồ Rây muốn người dân bản Ra Man của mình cũng có cái ăn, cái mặc như ông. Thế là ông mở lòng với mọi người, ai muốn vay tiền ông cho vay, ai muốn xin giống ông cho mượn giống, ai muốn học kỹ thuật trồng cây, nuôi heo… ông đều tận tình hướng dẫn. Không ít người Ra Man, nhờ thế mà khấm khá lên.
Nhưng với Hồ Rây, vậy vẫn chưa đủ. Dạo đó, ông ngóng sang bên kia dòng Sê Pôn và thấy bà con bản mình và bản Xy Ổi của nước bạn Lào chưa thực sự mở lòng với nhau. Xuất phát từ suy nghĩ “đèn nhà ai nấy rạng”, nên họ thường ngại giúp đỡ, nhường cơm, sẻ áo cho nhau. “Con nai, con hoẵng trên rừng nó có chia ra nước nào đâu, nhưng chúng vẫn thương nhau, cùng ăn chung 1 bãi cỏ, uống chung 1 dòng nước”, Hồ Rây nói.
Chuyện Hồ Rây giúp bản Xy Ổi thì nhiều, nhưng ai cũng nhớ chuyện năm 2000, vị già làng này đã chắt chiu đồng lương hưu ít ỏi của mình mua 1 chiếc thuyền nhôm giá 6 triệu đồng, và chính ông là người lái đò nối bờ vui cho bà con 2 bên qua lại sông Sê Pôn, miễn phí. Mùa lũ năm 2007, một người phụ nữ ở bản Xy Ổi trở dạ, người nhà ở bên kia bờ gào tên Hồ Rây, ông không suy nghĩ nhiều, lao thuyền nhôm ra sông, đưa sản phụ qua Trạm y tế xã Xy vượt cạn. “Nếu không có ông Rây và bác sĩ Việt Nam kịp thời cứu giúp thì tính mạng 2 mẹ con tôi không biết sẽ ra sao. Gia đình tôi coi ông Rây như là người cha thứ 2 của bé”, chị Sa Lý (35 tuổi, trú bản Xy Ổi), sản phụ năm ấy, nói.
Hay như năm 2010, bản Xy Ổi gặp hỏa hoạn, 15 ngôi nhà bị thiêu rụi. Hồ Rây đã báo với Đồn biên phòng Thanh (xã Xy), cùng phát động giúp bản bạn. Nhớ ngày đó, Hồ Rây cùng bà con và các chiến sĩ biên phòng đã vượt sông, băng rừng mang theo từng lon gạo, gói muối, túi mì chính… sang bản Xy Ổi, sau đó còn ở lại tìm tranh tre, cùng dựng lại nhà cho bà con bản bạn.
Để càng thắm thiết, Hồ Rây thường kết nối để bà con 2 bên sang thăm nhau định kỳ, lúc thì ăn cùng nhau 1 vốc xôi, uống cùng nhau 1 chén rượu; lúc thì dạy nhau cách trồng cây sắn cao sản, dựng những thửa vườn; lúc thì cùng nhắc nhau bảo vệ đường biên… Hai năm trở lại đây, cũng vì dịch Covid-19, nên việc thăm viếng thưa dần, có lúc phải tạm ngưng, nhưng có hề gì, bởi nói như ông Hồ La Hơi, Trưởng bản Xy Ổi, thì: “Chúng tôi đã xem Hồ Rây là người nhà, là con dân của bản. Xa mặt nhưng không cách lòng”.
Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh, cho biết bản Ra Man và Xy Ổi đã kết nghĩa từ lâu, không thể phủ nhận công lao của Hồ Rây. “Tấm lòng của ông Hồ Rây như dòng sông Sê Pôn ngày đêm tưới mát 2 miền biên giới, bồi đắp nghĩa tình Việt – Lào”, vị đồn trưởng này nói.