Chiều 7.7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tập trung đông người có nguy cơ lớn nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM, Sở Công thương và các quận huyện đã tiến hành điều chỉnh hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) thành giao dịch online, giảm tối đa tiếp xúc trực tiếp ở chành, vựa.
Việc điều chỉnh này còn khó khăn nên từ hôm qua đến nay, đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tạo nên khan hiếm cục bộ tại một số siêu thị, điểm bán lẻ…
Đại diện Sở Công thương nhấn mạnh, tuy 3 chợ đầu mối của thành phố là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tạm ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP.HCM mà chỉ thay đổi cách mua bán. Từ tập trung tại các chợ đầu mối như lâu này, các thương nhân, đơn vị phân phối chuyển sang hình thức phân phối trực tiếp về chợ truyền thống, phân tán hơn, qua hệ thống online. Bên cạnh đó, có 106 siêu thị hiện tại, 12 cửa hàng lớn chuyên kinh doanh thịt gia súc, hơn 2.600 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và 28.700 cửa hàng bách hóa…
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện các siêu thị Co.opMart, SatraFoods, MM Mega Market… cũng khẳng định hàng hóa về không thiếu, từ 18 giờ tối qua đến trưa nay (7.7) có vài siêu thị thiếu cục bộ do tâm lý người dân đổ đi mua vào những giờ cao điểm, hàng hóa đưa về chưa kịp. Chẳng hạn buổi sáng mua hết sạch, hàng đưa về không kịp, người đến sau không còn rau. Nhưng đến 14 giờ chiều, hàng lại được chất đủ lên quầy kệ. Có thời điểm một số mặt hàng như rau xanh sức mua tăng gấp 5 – 6 lần. Đặc biệt, đại diện Co.opMart cho hay, 12 nhóm hàng thuộc hàng bình ổn không tăng giá.
“Chúng ta có nguồn cung ứng dồi dào, kênh phân phối đa dạng thì không nên quá lo lắng. Chúng tôi mong người dân mua sắm khoa học, an toàn để đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Vũ nói.