Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2021, cả nước có 394 KCN và hàng nghìn CCN lớn nhỏ được thành lập thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc quanh mỗi KCN. Vì vậy, vấn đề nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN, CCN là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Cần chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân

Công nhân ra về sau giờ tan ca tại KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, TP Hải Phòng

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Trương Tú Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại An, Chủ đầu tư KCN Đại An, tỉnh Hải Dương cho biết, KCN với diện tích 463 ha, hơn 50.000 người lao động tại Hải Dương. Vấn đề nhà ở cho công nhân hiện nay không chỉ đơn thuần là nhà ở mà còn bao gồm các thiết chế khác như: y tế, khu hoạt động văn hoá bên cạnh khu ăn ở cho người lao động. Trong khi đó, chúng ta đang bị chi phối bởi Luật nhà ở khi xây dựng nhà ở trong KCN. Vì vậy, rất khó để kêu gọi được nhà đầu tư KCN xây dựng nhà ở.

“Quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân cũng còn dài dòng, bất cập. Trong suốt 7 năm vừa qua, KCN Đại An vẫn chưa giải quyết được vấn đề thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân”, bà Phương nhấn mạnh.

Bà Phương cũng đề nghị nhà nước phải thay đổi chính sách lựa chọn nhà đầu tư KCN. Cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối quốc tế, đào tạo, đời sống người lao động.

Đồng quan điểm với bà Phương, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng cho biết thêm, nhà ở công nhân hiện đang theo mô hình 4-6 người/phòng. Mô hình này đã cũ và không còn hiệu quả. Nếu tiêu chuẩn của Việt Nam đưa ra chỉ có nhà ở cho công nhân mà không có các công trình tiện ích thì chúng tôi không dám đầu tư vì không có người ở. Đó là một trong những vấn đề mà tại sao rất ít các KCN xin được xây nhà ở cho công nhân

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ xu hướng tiêu dùng của người lao động để ban hành tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân được phù hợp”, ông Điệp nhấn mạnh.

Còn theo bà Trần Thị Tố Loan – Giám đốc sale&marketing, Tập đoàn Sao Đỏ, đại diện chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng cho biết, toàn bộ khu bán đảo Đình Vũ hiện có hơn 17.000 người lao động. Thời gian tới, KCN Nam Đình Vũ dự kiến sẽ có thêm 30.000 lao động, nhưng hiện chưa có dự án nhà ở công nhân nào.

Cũng theo bà Loan, trong vòng 5 năm tới, TP Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút tối thiểu 15 tỷ USD vốn đầu tư vào địa phương. Như vậy, TP Hải Phòng sẽ cần khoảng 300.000 lao động. Do đó, để sắp xếp nhu cầu nhà ở cho 30.000 người lao động này là vấn đề cấp bách và cần thiết.

Ông Đoàn Duy Hưng – Tổng giám đốc công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư KCN Việt Nam lại cho rằng, Thủ tướng có quyết định thành lập thiết chế công đoàn trong đó có xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa xã hội nhưng đến nay triển khai chưa nhiều.

Về nhà ở cho công nhân, theo ông Hưng, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải xây dựng chính sách có thể và đưa vào luật hay nghị định. Với những KCN đã triển khai nhưng chưa có đất, tỉnh có thể lấy đất ra, cấp đất đó cho chủ đầu tư KCN hay các doanh nghiệp. KCN lớn mà chưa thu hút đầu tư hết thì có thể điều chỉnh lại đất trong KCN, các phần đất chưa sử dụng có thể làm nhà ở.

Bên cạnh đó, trách nhiệm xây dựng nhà ở ngoài trách nhiệm của tỉnh, của Nhà nước thì cần phải có chính sách ràng buộc chủ đầu tư các KCN cũng như nhà máy trong các KCN. “Không thể để nhà máy sử dụng hàng ngàn công nhân lại không có trách nhiệm cho người lao động”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cần chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân

Nhiều công nhân tại KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ xây dựng khu nhà ở dành riêng cho công nhân

Một KCN, KKT cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động. Hiện nay, trong tư duy phát triển các KCN, KKT mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến. Điều này cũng dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa thu hút được lao động làm việc.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng là nhiều KCN chưa thu hút được lao động vào làm việc. Đây cũng là nỗi niềm chung của các nhà đầu tư trước khi quyết định rót vốn đầu tư vào các KCN, KKT.

Cần chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân

Công nhân tan ca tại KCN Phú Thái, Hải Dương

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Nguyễn Thế Kỳ – Công nhân CCN Hà Khánh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thuê nhà là nỗi lo chung của công nhân chúng tôi. Tiền lương không cao mà hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà nên việc chi tiêu của chúng tôi rất phải chắt chiu và gần như không dám mua sắm gì ngoài đồ ăn cho bản thân. “Tôi mong các cấp, các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công nhân, đặc biệt là nhà ở ổn định, đời sống văn hoá tinh thần phong phú. Như vậy, công nhân mới gắn bó lâu dài với công ty”, anh Kỳ cho biết.

Còn theo anh Hà Đình Học – Người lao động tại công ty LG Display Hải Phòng, KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng, chúng tôi làm việc ở KCN đều mong muốn trong thời điểm COVID-19 công việc được ổn định hơn. Tuy nhiên, đi ở trọ thì phải mất tiền, ăn uống cũng mất tiền. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn có một khu nhà ở dành riêng cho công nhân để giúp đỡ những người ở xa, đi lại đỡ vất vả. Nếu nhà nước, thành phố Hải Phòng có hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân thì chúng tôi rất mừng.