Tuy đang gặp nhiều trở ngại nhưng xuất khẩu hiện vẫn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng 6,54% trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Bộ Công Thương công bố, dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng tới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có tác động rất sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng hai con số là một thành tích hết sức ấn tượng. Đáng chú ý, trong các nhóm mặt hàng, hai nhóm chính là công nghiệp và nông sản đều có tăng trưởng. Đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp hiện nay vẫn đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Ngoài ra, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố của Ngân hàng HSBC Việt Nam nêu rõ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ nhịp độ bền vững đáng ngạc nhiên trong quý II khi tăng đến 33% so với cùng kỳ năm trước. Đồng nghĩa, Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi lớn từ xuất khẩu của một số ngành sản xuất truyền thống nhờ nhu cầu toàn cầu được cải thiện.
“Mặc dù thâm hụt cán cân thương mại song đây không là dấu hiệu suy giảm vị thế thương mại của Việt Nam. Khi vươn mình trở thành một đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới, hoạt động sản xuất trong nước đương nhiên đòi hỏi một khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian dùng trong sản xuất để xuất khẩu, báo hiệu một chu kỳ xuất khẩu mạnh mẽ ổn định” – các chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định.
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, xuất khẩu sẽ dần lấy lại được đà tăng trưởng những tháng cuối năm nhờ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp dần hồi phục. Cụ thể, nhiều khu công nghiệp đang được chú trọng tăng cường phòng chống dịch và được ưu tiên tiêm vắc-xin. Riêng tỉnh Bắc Giang có kế hoạch đưa hơn 30.000 công nhân – lao động đi làm trở lại vào cuối tháng 7/2021 và cuối năm có thể đạt 120.000 người làm việc tại các khu công nghiệp, giúp khôi phục dần hoạt động sản xuất của các DN trong tỉnh.
Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chỉ số quản trị mua hàng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì mức phục hồi trên 50 điểm cũng là dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hồ Chí Minh… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.
Trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan. Do đó, bản thân doanh nghiệp được khuyến cáo phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.