Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Maccaca Việt Nam đã gửi đề xuất được triển khai đầu tư nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu macca hơn 500 tỷ đồng tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Dự án Nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu macca theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng, có năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và chế biến đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường góp phần tăng hiệu quả kinh tế địa phương.

Đầu tư 500 tỷ đồng làm nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu macca

Ông Phạm Văn Hồ – người tiên phong trồng cây macca tại huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa.

Theo thông tin riêng của Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 28/6/2021 công văn số 909 từ Văn phòng Tỉnh Ủy Thanh Hóa cho biết đã nhận được văn bản ngày 06/6/2021 của Công ty CP Tập đoàn Maccaca Việt Nam về việc đề nghị thực hiện đầu tư dự án Nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu macca tại Thanh Hóa. Tại công văn đã chỉ rõ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa xem xét đề nghị của Công ty CP Tập đoàn Maccaca Việt Nam.

Trao đổi với ông Lê An Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Maccaca Việt Nam cho biết, Công ty cũng đã làm tờ trình và các văn bản cần thiết gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa để mong muốn được đầu tư vào địa phương. Văn phòng Tỉnh Ủy Thanh Hóa đang giao cho chính quyền và các Sở ngành liên quan tham mưu.

Dự án Nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu macca với nguồn vốn đầu tư dự kiến 500.036.533.000 đồng với tổng diện tích 3.976.000,0 m2. Nếu được chấp thuận chủ trương thời gian, tiến độ thực hiện là 24 tháng.

Được biết, đầu tháng 10/2020, Công ty CP Tập đoàn Maccaca Việt Nam vừa kí hợp đồng xuất khẩu sang 12 nước, công ty phải cố gắng mua dự trữ hạt từ năm 2020 để phục vụ sản xuất cho năm 2021, bây giờ công ty vẫn thiếu nguyên liệu. Do vậy, Công ty mong muốn cần chủ động xây dựng nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu ngay tại Thanh Hóa.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được hơn 190ha macca, trên khoảng 10 huyện, tập trung nhiều tại huyện Thạch Thành. Loại cây này đã được trồng ở Thạch Thành từ năm 2012 và đến nay luôn có hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Khác với nhiều loại nông sản, người nông dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thì riêng các sản phẩm từ cây mắc ca như macca sấy nứt, macca nhân, cà phê macca… lại rất dễ tiêu thụ. Đây chính là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa phát triển với mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ macca để giữ ổn định diện tích theo đúng chỉ đạo của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và ổn định đời sống cho các hộ nông dân.