Ngày 7.7, cả hai hợp đồng dầu thô tăng nhẹ 0,5% trong phiên, dầu WTI giao dịch ngưỡng 73,7 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 74,9 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch đầy biến động vào khuya 6.7, sau quyết định hủy họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+), giá dầu Brent lao dốc 3,4% xuống 74,53 USD/thùng. Trong phiên đã có thời điểm hợp đồng này vọt lên đến 77,84 USD/thùng. Tương tự, dầu WTI của Mỹ cũng lao dốc 2,4% xuống 73,37 USD/thùng sau khi tiến sát mốc 77 USD/thùng trong phiên (mức cao nhất trong vòng 7 năm qua).
Việc hủy bỏ cuộc họp, không đạt được thỏa thuận về chính sách sản lượng trong tháng 8 tới, hoãn vô thời hạn cuộc họp của nhóm OPEC+ khiến giá dầu chao đảo.
OPEC+ vào ngày 2.7 đã bỏ phiếu về một đề xuất sẽ bơm thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng từ tháng 8 đến tháng 12, để tăng thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Các thành viên cũng đề xuất gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Thế nhưng, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã từ chối những đề xuất này và các cuộc họp không đạt được sự đồng thuận. Dự kiến, việc thảo luận được nối lại vào ngày 5.7 nhưng cuối cùng cũng bị hoãn.
Bất đồng đã cản trở một thỏa thuận có thể giúp OPEC+ gia tăng sản lượng và nhanh chóng biến thành một cuộc tranh cãi công khai bất thường giữa Ả Rập Xê Út và UAE. Các nhà phân tích trên Bloomberg cho rằng, việc duy trì mức sản lượng hiện tại có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn. Trong kịch bản tiêu cực, giá dầu sẽ giảm khi các nước thành viên tự ý tăng sản lượng, tuy nhiên, điều này khó xảy ra.
Trong nước, ngày 7.7, giá xăng dầu bán lẻ phổ biến ở mức sau: xăng E5 RON92 19.760 đồng/lít; xăng RON95 20.916 đồng/lít; dầu diesel 16.119 đồng/lít; dầu hỏa 15.051 đồng/lít và dầu mazut 15.449 đồng/kg.