Cái tôi thích đầu tiên là nó không dạy đời dù những bài học từ cuốn sách lại khiến người đọc muốn học và hiểu cho thấu đáo.
Tuấn Trần từng “về quê lập nghiệp” theo nghĩa đen. Quê đây là Quảng Ngãi. Anh về làm lại từ đầu khi con đường sự nghiệp của anh ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang phát triển, cơ hội để anh thăng tiến đang hanh thông, chứ không phải bế tắc.
Mỗi người đều có những hoàn cảnh khởi nghiệp khác nhau, và đừng ai hỏi ai vì sao khởi nghiệp. Nhưng ai đã khởi nghiệp cũng muốn biết, người khác đã khởi nghiệp như thế nào, có gì giống và khác với trường hợp khởi nghiệp của mình? Tuấn Trần đã kể về trường hợp khởi nghiệp của anh, nhưng không đi quá sâu vào những chi tiết. Anh muốn kể với người đọc rằng anh đã suy nghĩ thế nào, đã trải nghiệm ra sao và đã rút ra được những bài học thành bại thế nào khi khởi nghiệp.
Câu chuyện của anh hấp dẫn, không phải vì anh đã thành một tỉ phú, mà anh qua thời gian và bao nhiêu được mất, để là một con người trưởng thành với nhân cách, đạo đức, suy nghĩ, hy vọng và thất vọng cụ thể của một con người trong môi trường khởi nghiệp.
Làm tỉ phú chỉ là chuyện thành công trong thương trường, làm người mới là câu chuyện thành nhân. Còn làm việc như một người làm thuê, dù ở một doanh nghiệp rất lớn, vẫn khác với làm việc như một người làm chủ, dù ở một doanh nghiệp rất nhỏ. Nhưng làm thuê ở đây, như tác giả Về quê lập nghiệp đã nhấn mạnh, là “làm thuê chuyên nghiệp”. Tôi rất tán đồng quan điểm này.
Những ai đã đạt trình độ “làm thuê chuyên nghiệp” đều hiểu giá trị của hai chữ “chuyên nghiệp”. Một khi mình đã chuyên nghiệp trong làm thuê, thì không chỉ chủ vừa ý, mà mình cũng rất vui, hài lòng với mình vì đã làm tốt công việc. Tất cả những bài học khi làm thuê sẽ giúp mình rất nhiều khi làm chủ. Và nếu làm thuê đã chuyên nghiệp, thì làm chủ càng phải chuyên nghiệp hơn. Làm thuê hay làm chủ chỉ là vị trí của công việc, còn giỏi hay dở mới đánh giá năng lực thực sự của một con người.
Trong rất nhiều bài học mà Tuấn Trần đã đúc kết được, đã viết ra, có một bài học không chiếm nhiều giấy, nhưng theo tôi, lại cực kỳ quan trọng: Đó là bài học về văn hóa. Ở đây là văn hóa nói chung, văn hóa tầm phổ quát, chứ không chỉ văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa doanh nhân, dù hai “thể loại” văn hóa này rất cần thiết cho người lập nghiệp. Với người lập nghiệp, văn hóa như là nước cho cá vẫy vùng. Nước ấy càng trong, càng sâu thì cá càng cảm thấy “mình chủ được mình” như câu thơ của nhà thơ Yến Lan, và môi trường văn hóa nhỏ do chính mình tạo ra ấy, trước hết, sẽ giúp ích cho mình, rồi sau đó giúp ích cho nhiều người cộng tác hay đối tác của mình.
Từ những câu chuyện nhỏ trong quyển sách không dày, Tuấn Trần đã nêu được nhiều bài học lớn cho người mới khởi nghiệp, cho cả những người đã khởi nghiệp thành công. Cảm ơn Tuấn Trần rất nhiều vì quyển sách này. Tôi tuy không làm kinh doanh, nhưng học được từ đây nhiều bài học quý cho mình. Vì kinh doanh cũng là một cách sống.