Không kịp trở tay
Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia hôm 2.6 thông báo sẽ giải tỏa các nhà nổi, bè cá trên sông Tonle Sap thuộc địa phận thành phố này. Chính quyền yêu cầu toàn bộ người dân sống trên các nhà nổi phải ngay lập tức dời đi trong vòng 7 ngày nếu không sẽ bị tháo dỡ, thậm chí chịu xử lý theo pháp luật, trong đó có thể bị hầu tòa, theo tờ Khmer Times. Lý do được cho là để bảo vệ giao thông đường thủy, môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe của người dân.
Được biết, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cùng Chủ tịch Hội Khmer – Việt Nam Sim Chy đã có chuyến thị sát, thăm hỏi tình hình bà con tại khu vực bị di dời trong ngày 4.6. Trả lời Thanh Niên chiều qua, ông Sim Chy cho biết có khoảng 1.500 hộ gia đình gốc Việt đang sống trên thuyền, bè tại Phnom Penh. Họ là những người nuôi cá trên lồng, bè, kinh doanh nhỏ lẻ và lao động phổ thông. Đa số các hộ gia đình gốc Việt đã sống hơn 40 năm tại đây và hoàn toàn hợp pháp về mặt thủ tục pháp lý, nhiều người được cấp thẻ ngoại kiều để cư trú và sinh sống hợp pháp tại Campuchia.
Quyết định đột ngột của chính quyền Phnom Penh khiến các gia đình đã gắn bó với cuộc sống trên sông nước qua nhiều thế hệ không kịp trở tay và không biết đi đâu. Từ trước khi có lệnh di dời, thực tế cuộc sống của đa số bà con đã rất khó khăn, đặc biệt là từ quy định cấm tụ tập buôn bán nhằm ngăn dịch Covid-19.
Khó khăn chồng chất
“Bà con lao động phổ thông và buôn bán nhỏ lẻ cũng thất nghiệp nhiều. Nếu tới đây, chính quyền Phnom Penh thực hiện theo đúng quy định mới thì sẽ là khó khăn chồng chất cho bà con”, ông Sim Chy nói.
Vị chủ tịch cho biết Hội Khmer – Việt Nam đã gửi công văn kiến nghị đến chính quyền Phnom Penh, trong đó đề nghị gia hạn thời gian hợp lý nhất để bà con sắp xếp di dời. Thứ hai, hội đề nghị chính quyền hỗ trợ địa điểm, nơi ở mới, phù hợp cho bà con và không gây ảnh hưởng đến môi trường, pháp lý. Thứ ba, hội cũng xin hỗ trợ thêm kinh phí để bà con di dời.
Theo ông Chy, hội sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Phnom Penh để thúc giục sớm có kết quả phản hồi, dự kiến vào đầu tuần sau. Nếu khó khăn hơn, hội sẽ gửi công văn lên Bộ Nội vụ Campuchia để xin xem xét. Bên cạnh đó, hội cũng đã kiến nghị lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia quan tâm, giúp đỡ và có công điện gửi Bộ Ngoại giao Campuchia vì đây là quyết định đột ngột đối với bà con và cả với hội.
“Trước đây, chính quyền có mời Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia tham gia ban giải tỏa, di dời để đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, chính quyền đợt này không mời chúng tôi tham dự và cũng không thông báo trước, do đó gặp rất nhiều khó khăn”, ông Sim Chy cho hay. Thanh Niên đã gọi điện liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo Khmer Times, khoảng 700 hộ dân thuộc diện di dời theo quyết định mới đã thỉnh cầu Thủ tướng Hun Sen xem xét. Người phát ngôn Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan ngày 4.6 nói cần chờ quyết định của lãnh đạo và chưa thể bình luận vào thời điểm này.