Thím chồng chuyên làm nghề “rảo cá” (khuân cá từ thuyền về nơi thương lái thu mua), nên nhà thím mùa biển nào thức nấy. Thuyền vừa cập bến, thím tất tả khuân từng rổ cá cơm, cá chuồn, bánh lái… từ cảng vào khu thu mua cách cảng khoảng ba trăm mét rồi tranh thủ mua “lẻ” lại một ít về lo bữa cơm nhà.
Ruốc biển tươi là nguyên liệu làm nhiều món ngon. Ruốc biển đầu mùa tuy nhỏ nhưng chất lượng, vị thịt ngọt thơm, đậm đà. Ruốc sơ chế xào với đậu, củ sắn nước, đúc bánh xèo, gỏi… Ruốc tươi không ăn hết thì đem muối xổi với gừng, riềng thành món mắm ăn không chê vào đâu được.
Màu hồng nhẹ của từng con ruốc tưởng chìm trong màu xanh mát mắt của rau, nhưng đó là cái chìm của sự nhún nhường, của một nét duyên ngầ
|
Những hôm trúng lớn, ruốc phơi chật cả bãi. Phơi đúng nắng, con ruốc khô ráo mà không giòn. Cho ruốc khô vào hũ sành dùng vài tháng mà không sợ ruốc phai hương. Ruốc khô có thể dùng nấu xào với rau cải ngọt, rang sả ớt rất ngon.
Tôi thích nhất canh ruốc nấu rau tập tàng, đấy là điểm tương đồng của tôi và thím. Mỗi khi nấu canh, thế nào thím cũng sai cậu con út đi tìm rau. Làng tôi rau tập tàng không thiếu, chỉ có điều phải chịu khó ra vườn, lúc hiếm phải đi dọc bờ tre, áo bị gai tre cào rách, thành quả của cậu em là một mớ rau lộn xộn. Rau tập tàng tức là rau lộn xộn các thứ như: rau má, dền, sam, mã đề, mồng tơi, bùi ngót, lá lốt, cải xanh, đọt khổ qua… Chẳng phân biệt loại rau gì, tất tần tật thứ rau ăn được và tùy mùa, tùy vùng. Có nơi gọi canh rau tập tàng là canh rau vặt, có nơi còn gọi rau thập cẩm…
Riêng ruốc có nhiều thành phần dinh dưỡng cốt yếu, đặc biệt là protein, lại dễ hấp thụ. Với những thành phần trên, canh ruốc tươi nấu rau tập tàng không chỉ là món ngon dược liệu mà còn giải nhiệt ngày hè, bồi bổ sức khỏe.
Ruốc mang về rửa sạch, ướp một tí nước mắm để khi nấu canh, nồi canh thêm phần đậm đà. Tuyệt đối không cho hành ngò vì như vậy làm mất mùi thơm đặc trưng. Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu đâu vào đấy, bắc nồi nước vừa ăn. Nồi nước canh sôi to, nêm nếm gia vị, cho ruốc vào trước, đun sôi vài dạo sau đó mới thêm rau. Rau vào nồi nước sẽ hạ nhiệt, chờ nước sôi lại vài phút mới tắt bếp, vậy là đã có thể thưởng thức.
Chén ruốc nấu rau tập tàng thoạt nhìn đã nghe lòng “rộn ràng” bởi sự bắt mắt, quyến rũ. Màu hồng nhẹ của từng con ruốc tưởng chìm trong màu xanh mát mắt của rau, nhưng đó là cái chìm của sự nhún nhường, của một nét duyên ngầm. Hương vị quyến rũ của canh ruốc nấu rau tập tàng còn nằm ở cái hồn của con người đặt trong từng thành phần nho nhỏ, đó là đôi tay khéo léo của người chế biến, đó là giọt mồ hôi đi kiếm từng loại rau, là nụ cười của thím, của ngư dân làng chài khi trúng mùa ruốc về… Và còn cả cái hít hà, xuýt xoa, gật gù của người thưởng thức cũng là tín hiệu hồi đáp đối với món quà trân quý của biển cả, của vườn nhà.