Tiêm chủng giúp trẻ có sức khỏe, phát triển tốt về thể chất và tinh thần nhờ việc tránh được nguy cơ mắc các di chứng, biến chứng do bệnh truyền nhiễm gây ra. Có tới 85 – 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch thì khả năng phòng, chống mắc các bệnh truyền nhiễm mới đạt hiệu quả cao nhất.
Trên thực tế không phải trẻ nào cũng được tiêm chủng đúng lịch, bởi một trong các lý do như trẻ bị ốm vào ngày tiêm chủng nên phải hoãn tiêm, bố mẹ không biết phải đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ “xao nhãng” hay quên lịch tiêm chủng của con, bố mẹ bận công việc…Việc trẻ không được tiêm chủng đủ số mũi, hay tiêm không đúng theo lịch tiêm chủng, tiêm chủng muộn thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu trẻ tiếp xúc với mầm bệnh xung quanh. Trong những năm gần đây, khi xảy ra dịch sởi, ho gà, bạch hầu đã ghi nhận không ít trẻ trong độ tuổi tiêm chủng bị mắc bệnh vì trẻ vẫn chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đủ mũi theo lịch.
Trong trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng theo đúng lịch thì trẻ cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt ngay sau đó và không phải tiêm chủng lại từ đầu. Trẻ được tiêm chủng dù muộn hơn lịch vẫn có tác dụng phòng bệnh vì cơ thể vẫn có khả năng tạo được kháng thể bảo vệ sau khi tiêm chủng đủ liều. Trẻ được tiêm chủng càng sớm thì càng có cơ hội phòng bệnh sớm.
Các bậc cha mẹ lưu ý, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để trẻ được phòng bệnh tốt nhất.