Chuỗi cà phê Việt “đổ bộ” vào Mỹ

Phúc Long cũng tuyên bố khai trương cửa tiệm đầu tiên tại California với thiết kế đậm chất Việt Nam.

Hồi tháng 5 vừa qua, TNI King Coffee đã triển khai cửa hàng đầu tiên ở Mỹ. Mới đây, chuỗi trà và cà phê Phúc Long cũng tuyên bố khai trương cửa tiệm đầu tiên tại California trong tháng 7 này.

Trong suốt thập niên qua, các chuỗi cà phê Việt Nam luôn tìm kiếm chiến lược và chuẩn bị sẵn sàng khai phá thị trường nước ngoài. Điều này được cho là bởi thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Theo các chuyên gia, việc các chuỗi cà phê Việt khai phá thị trường Mỹ có thể sẽ gặp một số thuận lợi bởi người tiêu dùng nước này không quá kén chọn, cầu kỳ như người Châu Âu hay Nhật Bản. Bên cạnh đó, các sản phẩm cà phê và ẩm thực Việt Nam cũng nổi tiếng trên thị trường thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Điều này có thể giúp các chuỗi cà phê Việt được dễ dàng nhận diện thương hiệu.

Thêm vào đó, với số lượng người Mỹ gốc Việt lên đến hơn 2,2 triệu người, đây có thể được coi là một lượng khách hàng không nhỏ cho việc phát triển chuỗi cà phê Việt tại nơi đây.

Tuy nhiên, các thương hiệu này cũng có thể sẽ gặp không ít thách thức. Nhắc đến mô hình chuỗi không thể không nhắc đến Mỹ – “ông tổ” của kinh doanh chuỗi từ những năm 1792. Đến năm 1859, chuỗi F&B đầu tiên bán cà phê và trà đã xuất hiện trong các cửa hàng ở New York của công ty chè Đại Tây Dương & Thái Bình Dương.

Riêng lĩnh vực đồ uống giải khát, nước Mỹ có rất nhiều chuỗi toàn cầu, như chuỗi Starbucks với 15.000 cửa hàng tại Mỹ và hơn 30.000 khắp thế giới. Hay như The Coffee Bean & Tea Leaf có 1,200 cửa hàng trên khắp thế giới…

Tuy nhiên, sự thành công hay thất bại của các chuỗi cà phê Việt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng rõ ràng việc dám bỏ qua “sự mặc cảm khi mình là một nước nhỏ dám tiếp cận thị trường một nước lớn” và một chiến lược định vị mạnh mẽ khi đặt chân vào Mỹ sẽ giúp các chuỗi cà phê Việt có thể sớm tìm được chỗ đứng trên thị trường Mỹ.