Đáng chú ý nhất là ở TP.HCM, khi việc chấm thi diễn ra trong bối cảnh toàn thành phố áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9.7 và số ca nhiễm vẫn đang ở mức rất cao.
Điều này khiến giáo viên được điều động chấm thi trong kỳ thi lần này luôn nơm nớp lo lắng.
Cô P.T.Đ, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, phân tích: “Coi thi còn có mức an toàn, vì giao tiếp ít, chủ yếu là thao tác. Chứ còn chấm thi môn văn thì tiếp xúc rất nhiều người, nhất là khâu thống nhất bài chấm, thời gian lại kéo dài cả tuần lễ, nên rất khó kiểm soát được dịch. Chỉ cần một người có “F” là nguy hiểm cho cả hội đồng chấm”.
Quan sát việc chấm thi nhiều năm, chúng tôi thấy mật độ giao tiếp rất dày trong nhiều tình huống, như việc ra vào cổng, phòng làm phách, phòng chấm, các công đoạn nhận và trả bài chấm, việc giám khảo thảo luận khi ráp bài… Nên khó đảm bảo việc giãn cách.
Vì vậy, giáo viên mong muốn lãnh đạo Sở có cách tổ chức hợp lý hơn. Chẳng hạn, nên phân ra thành nhiều điểm chấm, bố trí nhiều phòng chấm hơn và mỗi phòng chấm càng ít giám khảo càng tốt. Nên phân thành từng nhóm nhỏ các giám khảo chấm cố định với nhau để hạn chế tiếp xúc. Ngoài việc trang bị các phương tiện phòng chống dịch, nên phân khu vực, theo luồng từ cổng vào các hành lang, phòng chấm để hạn chế việc tiếp xúc của những người làm công tác chấm thi…
Hiểu được những lo lắng này của giáo viên, Sở GD-ĐT quy định quá trình chấm thi sẽ thực hiện theo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, khi chấm thi, các giám khảo phải đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn và găng tay. Mỗi phòng chấm không quá 10 thành viên tham gia.
Theo sự điều động của Sở GD-ĐT, cán bộ, giáo viên, nhân viên được phân công làm công tác chấm thi sẽ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong hai ngày 9 và 10.7 tại Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11), Trường THPT Phạm Phú Thứ, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6). Theo kế hoạch, ngày bắt đầu công đoạn chấm thi tại TP.HCM là 11.7.