Hàng hóa đầy ắp, người mua một vài khu vực giảm đến 50%
Cụ thể, báo cáo nhanh về thị trường của Q.Phú Nhuận về Sở Công thương TP.HCM sáng 10.7 cho thấy, hiện 4/4 chợ truyền thống của quận đã tạm ngưng hoạt động do phòng chống dịch. Đến 10 giờ sáng nay, tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Đặc biệt, so cùng thời điểm này 2 ngày trước (ngày 8 và 9.7), lượng người dân vào mua sắm giảm đến 50 – 60%, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, nông sản… nhu cầu tiêu thụ giảm nhiều.
Tượng tự, báo cáo từ Q.12 cho thấy, hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều đầy ắp hàng hóa, giá không biến động. Đặc biệt, báo cáo nhanh của quận này cũng cho thấy, siêu thị và chợ vắng khách, đổi lại, đơn hàng online Co.opFood tăng. Cửa hàng Bách hóa Xanh – Vĩnh Hội, Q.4 cũng cho biết hàng hóa dồi ào nhưng khách rất ít.
Đặc biệt, tại huyện Hóc Môn, đến nay đã có 11/12 chợ truyền thống tạm dừng hoạt động. Chỉ 1 chợ truyền thống tại xã Nhị Bình đang hoạt động, hàng hóa đa dạng, thịt cá, trứng, rau củ quả… Báo cáo cũng cho thấy giá cả ổn định, không biến động. Tuy nhiên, theo huyện Hóc Môn, sáng nay 10.7, người dân đi mua hàng hóa tại chợ giảm nhiều, tương tự, tại các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa hàng hóa bình thường và lượng người mua hàng cũng giảm mạnh.
Người dân xếp hàng vào mua hàng sáng sớm
|
Còn Q.Tân Phú cho hay, tình hình hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn quận đa dạng, thịt, cá, rau củ quả, trứng, mì gói đầy đủ. Giá cả cũng tương đối ổn định, thậm chí một số mặt hàng đang được giảm giá. Tổng lượng đơn hàng sáng nay (kể cả trực tiếp và online) tương đương cùng thời điểm này ngày hôm qua (9.7). Lượng khách đến các siêu thị, cửa hàng ổn định, đảm bảo xếp hàng trật tự, giãn cách. Hiện các siêu thị vẫn đang xử lý giải quyết các đơn hàng online còn tồn, đơn hàng mới được giao hàng chậm hơn. Thành phố Thủ Đức cho biết lượng người dân đi mua hàng hôm nay không tăng, các cửa hàng bổ sung nguồn hàng đầy đủ, phong phú. Đặc biệt, để phòng chống dịch an toàn, mọi cửa hàng tiện lợi và siêu thị đều thực hiện giãn cách trong mua sắm và đo nhiệt độ trước khi vào mua hàng. “Hệ thống phân phối bán lẻ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giữ khoảng cách hoặc chuyển đến điểm phân phối khác ít người hơn”, báo cáo nhanh thành phố Thủ Đức cho biết.
Còn khu vực huyện Nhà Bè do các cửa hàng bán rau nhỏ lẻ ven đường đều bị dẹp hết người dân tập trung vào mua các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nhiều hơn. Đầu giờ sáng nay, lượng người đi mua tại địa phương đông hơn do thói quen mua sắm đầu ngày để có hàng tươi mới.
Giỏ hàng của bà nội trợ phong phú hơn, không chỉ tập trung thực phẩm tươi sống
Báo cáo hết ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 (9.7) cũng cho thấy, lượng khách đến mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi giảm nhẹ so với ngày 8.7. Các hệ thống bán lẻ phản ánh, hàng hóa về chậm do bị kẹt tại các chốt kiểm soát.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, trong bối cảnh giãn cách theo Chỉ thị 16, chắc chắn hệ thống phân phối gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến khâu vận chuyển đến phân phối. Đặc biệt, đến hôm nay, không chỉ có TP.HCM giãn cách toàn xã hội mà các tỉnh lân cận như Đồng Nai, rồi Bình Dương cũng thực hiện giãn cách mạnh để chống dịch. Áp lực cho các nhà phân phối rất lớn do vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch phải thực hiện chu đáo, theo đó sẽ bị chậm hơn.
Hàng hóa tại một số cửa hàng tiện lợi, siêu thi mini sáng 10.7
|
Chẳng hạn, hệ thống siêu thị tại TP.HCM có kho hàng đặt tại Bình Dương, hàng hóa ngày thường nếu xuất phát sáng sớm, chở lên TP.HCM chỉ 7 giờ đã có, 7 giờ 30 các quầy kệ xếp đầy hàng tươi rồi. Thế nhưng, thời gian này là đến 11 giờ, có khi trễ hơn. Hoặc hàng từ miền Tây trước mất 3-4 tiếng lên đến Sài Gòn, nay gấp đôi thời gian, mất 7-8 tiếng vì qua nhiều tỉnh, nhiều trạm kiểm soát… Tuy nhiên, ông Phương khẳng định, tình hình hàng hóa và mua sắm của người dân thành phố từ ngày hôm qua (9.7) đến nay đã tương đối ổn định về cân đối cung – cầu, dồi dào chủng loại hơn. Đặc biệt, cơ cấu các mặt hàng người tiêu dùng mua không còn tập trung vào thực phẩm tươi sống mà có nhiều lựa chọn khác, các sản phẩm chế biến và dùng tiêu dùng dài ngày khác.
“Hàng hóa luôn dồi dào, người dân cứ yên tâm, không nên tập trung mua gom dự trữ, đến cửa hàng thấy đông người thì nên quay lại lúc khác, chậm 1 chút nhưng an toàn và có nhiều lựa chọn hơn. Thực tế đã cho thấy, vài ngày qua, rất nhiều người đã chen lấn gom hàng là không cần thiết, chỉ góp phần tạo thêm khó khăn cho xã hội và tăng nguy cơ rủi ro cho bản thân và gia đình”, ông Phương nhấn mạnh.