Mẹ nguyện là cô giáo suốt đời của con
Cách đây hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Thương Huyền (44 tuổi, hiện đang sống tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), được tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội vì năm lớp 11 đạt giải học sinh giỏi ngoại ngữ quốc gia (Khóa 1, 1991 – 1994 của Trường THPT Năng khiếu Hà Bắc, nay là Trường THPT Chuyên Bắc Giang). Tốt nghiệp ĐH, chị Huyền khao khát trở thành cô giáo như biết bao bạn bè chọn ngành sư phạm khác. Trong lúc chờ việc, chị Huyền lấy chồng, sinh con nên tạm gác công việc, dự định con được vài tuổi sẽ trở lại bục giảng. Thế nhưng cuộc đời có những điều bất ngờ khiến chị phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch của mình.
Tình yêu và nghị lực đã giúp chị Thương Huyền không bao giờ buông tay
|
Chị Huyền kể: “Con trai tôi, Phạm Quang Minh, sinh năm 2003, xinh xắn, đáng yêu như một thiên thần. Rất nhiều người gặp đều bảo sao nhìn con thánh thiện thế? Nhưng không như các bạn, con ngoan lắm và mãi chẳng chịu nói, lại hay ốm vặt. Linh cảm của người mẹ mách bảo rằng hình như con có vấn đề gì đó? Vợ chồng tôi quyết định đưa con vào Viện Nhi khám và như sét đánh ngang tai khi nghe bác sĩ nói con bị hội chứng tự kỷ. Trời cao như sụp xuống dưới chân, tôi lúc ấy đã không thể khóc!”.
Tiếp sau đó là chuỗi ngày tháng chị Huyền và chồng đưa con đi chạy chữa khắp nơi, tìm hiểu các phương pháp can thiệp để giúp con được trở lại bình thường. Ai mách phương pháp gì chị Huyền đều tìm hiểu để áp dụng cho Quang Minh. Học đủ các trường, chữa đủ các thầy nhưng sự tiến bộ của con rất ít.
Cuộc sống ngày ấy khá khó khăn nhưng chị Huyền quyết định nghỉ việc để đồng hành cùng con. “Nhiều lúc trong mơ mới thấy mình được đứng trên bục giảng, còn cậu học trò trọn đời của tôi chính là con trai yêu quý. Kể từ lúc biết con mình như vậy, tôi đã nguyện trở thành cô giáo suốt đời của con”, chị Huyền rưng rưng.
Theo chị Huyền, nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả, nuôi một đứa trẻ tự kỷ khổ gấp vạn lần. Thời gian đầu có nhiều bữa chị Huyền ăn cơm chan với nước mắt. Nhiều lần chị Huyền muốn ngã quỵ và nghĩ đến cái chết vì quá tuyệt vọng. “Nhưng rồi mỗi khi ngắm con êm đềm trong giấc ngủ, tôi lại tự vực mình đứng dậy. Tôi nghĩ, một khi mình đã quyết tâm cứu con thì chắc chắn tôi sẽ làm được. Chính niềm tin sắt đá ấy đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, sự lạc quan và sức mạnh để lau nước mắt, đứng dậy bước tiếp!”, chị Huyền chia sẻ.
Và niềm vui vỡ oà khi đúng sinh nhật 3 tuổi, Quang Minh đã cất tiếng gọi: Mẹ ơi! Rồi như hiểu được sự vất vả của ba mẹ mà con chị dần tiến bộ mỗi ngày.
Dù khó khăn thế nào cũng quyết không buông tay!
Chị Huyền kể tiếp: “Ngày khai giảng lớp một, khi Minh vui vẻ dự lễ với các bạn thì ở cuối sân trường tôi khóc như mưa dù lâu lắm rồi đã không còn khóc nữa. Khóc vì mừng, vì thương, vì tủi”.
Thời gian học tiểu học này, Minh vẫn còn tăng động, đôi lúc thường hành hạ bản thân mình. Đa số bạn bè và thầy cô trong trường đều hiểu và thông cảm, tất cả các thầy cô đều biết và rất yêu quý, các anh chị trong ban phụ huynh học sinh cũng rất tuyệt vời, luôn động viên mẹ con chị Huyền.
Con trai Quang Minh và người mẹ đồng hành với mình suốt cả hành trình
|
“Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh và các bạn kỳ thị, ép mẹ con phải chuyển lớp cho con. Tôi đã phải gặp và nói chuyện với họ để phân tích cho họ hiểu. Một số bạn không thích thì vẫn hay trêu con. Cứ giờ ra chơi là tôi lại đến trường, hướng dẫn con chơi cùng với các bạn. Đến năm cấp hai thì con bị các bạn kỳ thị nhiều hơn”.
Nghe con trẻ ngây thơ nói “Con có làm gì sai đâu, chỉ hơi khác các bạn thôi mà”, chị Huyền càng xót xa. Mỗi khi con gặp chuyện như vậy, chị Huyền đều phân tích cho con nguyên nhân, dạy con cách xử trí.
“Tất cả những tình huống thực tế chính là giáo trình sinh động để tôi dạy con. Tôi có tham khảo rất nhiều phương pháp và nhận ra mỗi đứa trẻ là một cá nhân riêng biệt, không thể áp đặt chung một giáo trình”, chị Huyền cho biết.
Năm 2015, khi Minh học lớp 6 thì chị Huyền phát hiện mình bị ung thư tuyến nước bọt, một bệnh hiếm, do chị Huyền bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố, một chiến sĩ tham gia chiến trường ở Quảng trị, Tây Nguyên, Nam Lào, Campuchia.
“Lúc đầu, thấy khối u ở tuyến dưới hàm, bác sĩ nói phải mổ lấy ra thì mới điều trị tiếp được, tôi không hề biết đó là u ác. Khi mổ là buổi trưa, mà khi tỉnh lại đã là buổi tối, tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Hỏi chồng nhưng anh giấu. Đến lúc tôi gần xuất viện và bác sĩ nói về việc phải xạ trị, chồng mới dám kể thật. Trời đất lại sụp thêm một lần nữa. Tôi khóc một lúc rồi bảo chồng là anh và con đều vất vả nên em sẽ không buông tay đâu, em sẽ sống vui, sống khoẻ. Trong bất cứ tình huống tồi tệ nào tôi cũng phải tìm bằng được điểm tích cực để nương tựa vào, quyết không buông xuôi! Và tôi chuẩn bị tâm lý cho việc chữa trị tiếp”.
Các con chị Huyền biết mẹ bị bệnh thì thương lắm, anh em Minh thay nhau đút cháo cho mẹ ăn. Minh còn nói yêu mẹ, không muốn mẹ chết, muốn mẹ sống thật lâu. Chị Huyền xạ trị 30 buổi liên tiếp. “Phải một năm sau sức khoẻ mới ổn hơn. Nhưng tinh thần tôi thì chưa bao giờ chịu buông xuôi. Sau xạ trị 6 tháng, bệnh viện kiểm tra và gửi kết quả sang Singapore. Bác sĩ kết luận tôi đã khỏi bệnh”, chị Huyền xúc động kể lại.
“Khi bọn trẻ được yêu thương nhiều, sẽ có nhiều Quang Minh hơn nữa”
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lômônôxốp, là người chứng kiến suốt 3 năm nỗ lực của Minh, chia sẻ: “ Quang Minh là một học trò ngoan, rất lễ phép với thầy cô giáo và các bác bảo vệ, các cô lao công. Con tuy gặp khó khăn một chút trong việc học tập với khối lượng kiến thức lớn, nhưng trong năm học lớp 12 con đã nỗ lực rất nhiều, dành nhiều thời gian học tập, ôn thi và con rất chịu khó hỏi bài các thầy cô giáo. Con luôn tạo được cảm giác khiến cho người đối diện phải chú ý đến mình, luôn tạo cho mọi người cảm giác cần phải yêu thương nhau nhiều hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn nữa”
Tôi đã phải thốt lên: “Phúc đức tại mẫu”, và vô cùng xúc động khi biết tin Minh được 3 trường ĐH báo đỗ khi chưa thi tốt nghiệp THPT, nhưng tôi cũng không quá bất ngờ về điều đó. Các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ đều có một năng lực nào đó rất tốt mà chúng ta có thể chưa nhìn ra; Quang Minh có khả năng vượt khó, dám đương đầu với khó khăn và đã thành công.
Mong rằng, sẽ có nhiều bà mẹ đang có con mắc chứng tự kỷ làm được như chị Thương Huyền; khi đó, bọn trẻ sẽ được yêu thương nhiều và chúng ta sẽ có nhiều Quang Minh hơn nữa”.
|
Trong suốt thời gian điều trị ung thư, chị Huyền vẫn không quên gần gũi, thủ thỉ, làm bạn với con, hướng dẫn con để con phát triển. Nhờ sự kiên trì và quyết tâm của ba mẹ, sự hỗ trợ từ thầy cô giáo và ngay cả cậu em trai sinh năm 2007, Minh càng ngày càng tiến bộ và từ lớp 3 đến lớp 12 luôn là học sinh giỏi, luôn đứng tốp đầu của lớp.
Từ nay sẽ không còn chông gai
“Giấc mơ đẹp có thật” của chị Thương Huyền khi con tốt nghiệp THPT
|
“Cuộc đời là những giấc mơ đẹp và có thật được chúng ta vẽ nên bởi góc nhìn và thái độ sống. Đó là trải nghiệm của riêng mẹ sau hơn bốn mươi năm được có mặt trên cuộc đời này. Vậy là chàng trai của mẹ đã tốt nghiệp trường học khó khăn nhất là trường tự học với chính bản thân mình! Mười tám năm quá dài mà cũng quá ngắn để có được kết quả tuyệt vời như ngày hôm nay!”, chị Huyền viết cho con trong niềm hạnh phúc vỡ oà khi nhận tin con đậu 3 trường ĐH trước khi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là ĐH Swinburne (Úc), ĐH Việt Pháp và ĐH FPT.
Buổi sáng đầu tiên thức dậy sau kỳ thi tốt nghiệp THTP của con, chị Huyền thấy cuộc đời mình và con sang hẳn trang mới. Từ nay sẽ không còn chông gai nữa, chỉ toàn niềm vui!
Chị Huyền kể: “Bài luận vào ĐH Việt -Pháp Minh có chia sẻ lại trải nghiệm con đi thiện nguyện. Tôi và con đã rất nhiều lần đến từ thiện ở Trại phong của Hải Dương, Thái Bình, rồi con đi phát cơm ở Viện huyết học, phát quà ở Viện châm cứu,… để con được chứng kiến những người khổ hơn mình, từ đó thấy mình may mắn và là động lực để con vươn lên. Còn khi Minh phỏng vấn trực tuyến ở nhà mà làm các thầy của ĐH Swinburne rất vui vì mỗi con biết nhắc thầy giữ gìn sức khoẻ trong mùa dịch, thầy cảm động lắm!”.
Minh kể câu chuyện của mình trong đơn đăng ký dự tuyển vào Trường ĐH Việt Pháp khiến thầy cô xúc động
|
Ở Trường ĐH Việt Pháp, trong đơn đăng ký dự tuyển, Minh còn viết mình muốn học ngành công nghệ y khoa để chữa bệnh cho mẹ, các thầy rất xúc động. Và đây cũng là ngôi trường Quang Minh chọn tiếp tục việc học của mình.
Trong thời gian Minh ôn thi tốt nghiệp, thấy thầy cô và các con miệt mài ôn luyện, sau khi học trực tuyến xong Minh lại học tiếp đến tận một hai giờ sáng. Xót con, chị Huyền nói con đậu ĐH rồi, đừng áp lực quá, chỉ cần đỗ tốt nghiệp là được nhưng Minh lại quyết tâm phải đạt điểm cao mới chịu.
Trẻ tự kỷ đạt những kết quả như Minh là rất hiếm
Tiến sĩ Hoàng Trung Kiên, Phó khoa phụ trách Khoa Năng lượng, Trường Đại Học Việt Pháp, cho biết: “Tôi chính là người đã gặp gỡ mẹ con Quang Minh khi cả 2 đến trường để tìm hiểu thông tin. Sau khi trò chuyện với con và nghe chị Huyền kể về con, tôi rất xúc động và trân trọng, bởi một đứa trẻ tự kỷ nếu không được nuôi dạy phù hợp, nếu người nhà không kiên trì nhẫn nại và tràn đầy sự yêu thương không mệt mỏi, thì con sẽ không thể có được kết quả như Minh. Trẻ tự kỷ đạt được các kỹ năng tối thiểu đã là khó khăn, người phát triển tốt, có kết quả học tập giỏi và có nhiều hoạt động như Minh là rất hiếm”.
|