UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) có công văn khẩn về phương án điều tiết, phân luồng để trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức) nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. 2 bãi xe container trong khuôn viên chợ (diện tích 2 bãi xe khoảng 16.500 m2) được lấy làm trạm trung chuyển hàng hóa từ ngày 11.7.
Lượng xe chở hàng hóa vào chợ thưa thớt
Theo ghi nhận của Thanh Niên, vào khoảng 20 giờ ngày 12.7, các xe tải chở hàng đã bắt đầu vào điểm trung chuyển tại chợ đầu mối Thủ Đức). Phía bên trong chợ treo thông báo “Người đến giao dịch mua bán phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực”, lực lượng bảo vệ túc trực kiểm tra giấy tờ xe tải ra vào chợ và cấm không cho xe máy và xe ba gác vào bên trong chợ.
Lực lượng bảo vệ sau khi kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 còn hiệu lực trong 72 giờ sẽ ghi lại thông tin để đối chiếu với danh sách đăng kí từ trước.
|
Đối với tài xế xe tải, thương nhân và bốc xếp hàng hóa, trước khi vào điểm trung chuyển hàng hóa bảo vệ sẽ kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Nếu giấy xét nghiệm còn hiệu lực, bảo vệ sẽ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế và ghi lại thông tin để đối chiếu với danh sách đã đăng ký trước, nếu trùng khớp thì mới được vào bên trong.
Sau khi vào bên trong, hàng hóa sẽ được bốc xếp lên xe nhận hàng và chở đi ngay, không ở lại lâu trong trạm trung chuyển. Còn tài xế lái xe được yêu cầu ngồi yên trên xe, giao nhận hàng xong sẽ lái xe đi ngay lập tức.
Nhân viên bốc xếp của các thương nhân phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực trước khi vào chợ.
|
Trong đêm 12.7, có 4 trường hợp là bốc xếp và khách đến nhận hàng hóa, mặc dù đã đăng ký danh sách từ trước nhưng khi xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 đã hết hiệu lực. Lực lượng bảo vệ đã yêu cầu những người này ra về để đi xét nghiệm lại.
Phía bên trong chợ treo thông báo “Người đến giao dịch mua bán phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực”, lực lượng bảo vệ túc trực kiểm tra giấy tờ xe tải ra vào trạm trung chuyển hàng hóa trong chợ.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc bộ phận kinh doanh tiếp thị Công ty CP Quản lý kinh doanh nông sản chợ Thủ Đức, cho biết Sở Công thương TP.HCM phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và BQL chợ đầu mối Thủ Đức để triển khai trạm trung chuyển hàng hóa tại chợ nhằm cung cấp mặt hàng rau, củ cho TP.HCM.
Tại chợ sẽ có 2 trạm trung chuyển hàng hóa nhưng hiện tại lượng xe vào chợ thưa thớt nên chỉ mở một trạm với diện tích 8.500 m2.
Lượng xe về chợ còn thưa thớt vì các thương nhân chưa chuẩn bị kịp nguồn hàng và lực lượng bốc xếp để giao nhận hàng hóa nên BQL chợ chỉ mở một trạm trung chuyển hàng hóa là bãi đậu xe container phía sau chợ B với diện tích 8.500 m2.
|
“Trước khi triển khai điểm trung chuyển này, BQL chợ đã thông báo trước cho các thương nhân, mọi thủ tục đều đăng ký online. Thương nhân sẽ tự chuẩn bị về nhân lực bốc xếp, nguồn hàng và việc xét nghiệm Covid-19. Đêm nay (13.7) các thương nhân đăng ký để bỏ hàng với số lượng 150 tấn. Lượng xe về chợ còn thưa thớt vì các thương nhân chưa chuẩn bị kịp nguồn hàng và lực lượng bốc xếp để giao nhận hàng hóa. Theo dự kiến, trong vài ngày tới chợ sẽ nhộn nhịp hơn”, ông Phương cho biết thêm.
Bốc xếp hàng mặc thêm đồ bảo hộ
Theo quan sát, vào tối 12 và rạng sáng 13.7, có khoảng 5 xe tải lớn giao hàng rau củ và trái cây tại chợ. Sau khi xe vào điểm trung chuyển hàng hóa, lực lượng bốc xếp sẽ bốc hàng hóa giao nhanh cho các xe đến nhận hàng hóa. Một số nhân viên bốc xếp ngoài tuân thủ 5K còn mặc thêm đồ bảo hộ khi bốc dỡ hàng. Còn các tài xế đều ngồi yên trên xe thì tranh thủ thời gian để chợp mắt nghỉ ngơi.
Một tài xế ngồi yên trên xe đợi giao nhận hàng tranh thủ thời gian để chợp mắt nghỉ ngơi.
|
Khoảng 21 giờ (12.7), ông Nguyễn Minh Đức (ngụ P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức), một thương nhân bỏ hàng tại chợ đang hối hả giao hàng cho khách. Ông Đức cho biết ông cùng 3 bốc xếp đến chợ để giao. Một số mối hàng của ông bị kẹt lại trong khu phong tỏa, nên ông chỉ lấy được 8 tấn rau củ. Để được vào chợ, ông và 3 bốc xếp phải đăng ký trước rồi đi xét nghiệm Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Đức (ngụ P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức), một thương nhân bỏ hàng tại chợ cho biết để được vào chợ ông và 3 bốc xếp phải đi làm xét nghiệm Covid-19.
|
“Hai hôm nay tôi giao nhận hàng ở chợ thì thấy khá vắng vẻ, từ 3 hôm trước tôi đã nghe BQL chợ thông báo với các thương nhân, nhưng tình hình dịch nên ai cũng cập rập. Nhiều người không chuẩn bị kịp, vì giờ phải chuẩn bị nguồn hàng rồi đưa bốc xếp đi xét nghiệm covid-19. Nhà tôi ở P.Bình Chiểu 0 giờ khuya nay (13.7) là phong tỏa rồi. Tôi ra đây lúc 19 giờ 30, giao hành nhanh trong 2 tiếng để kịp về nhà. Phong tỏa rồi nên chắc cũng nghỉ bán…”, ông Đức chia sẻ thêm.
Nhân viên bốc xếp đang làm việc tại chợ đều được thương nhân đăng kí trước với BQL chợ, phải tuân thủ 5K và có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.
|
Anh Phạm Chí Linh (29 tuổi, ngụ Bến Tre), tài xế lái xe tải chở hàng giao tại chợ đầu mối cho biết, anh chở 1.8 tấn trái cây từ Vĩnh Long lên để giao cho chuỗi cửa hàng B.H.X tại TP.HCM. Do 2 giờ khuya nay khách mới đến nhận hàng nên anh tranh thủ lúc đợi khách nằm trên xe để ngủ cho lại sức.
“Lúc trước tôi giao tới 32 mặt hàng trái cây các loại, giờ chỉ còn 16 mặt hàng thôi. Vào đợt dịch này còn giữ được việc làm là may mắn lắm rồi. Bên phía BQL chợ cũng hỗ trợ tôi giấy “thông hành” để đi đường, còn chi phí xét nghiệm sẽ do chủ tôi chi trả nên cũng đỡ lắm”, anh nói.
Một nhân viên bốc xếp ngoài tuân thủ 5K còn trang bị thêm đồ bảo hộ.
|
Anh Nguyễn Tấn Đạt (26 tuổi, thương nhân đến lấy hàng) cho biết anh đến chợ để đợi xe hàng rau củ đông lạnh từ cửa khẩu Lào Cai vào để lấy hàng. “Quá trình vận chuyển hàng hóa cũng có khó khăn, xe hàng hóa vào đến TP.HCM phải thông qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19, đôi lúc sẽ kẹt xe nên hàng hóa cũng đến trễ. Tình hình dịch bệnh mình cũng lo sợ nhưng phải vệ sinh kĩ càng, tiếp xúc tài xế, bốc xếp hàng cũng phải giữ khoảng cách an toàn và phải mặc đồ bảo hộ”.
UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) có công văn khẩn về phương án điều tiết, phân luồng để trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. 2 bãi xe container trong khuôn viên chợ (diện tích 2 bãi xe khoảng 16.500m2) được lấy làm trạm trung chuyển hàng hóa.
BQL chợ đầu mối Thủ Đức sẽ tiếp nhận và tổ chức 18 điểm đăng ký thực hiện trung chuyển hàng hóa với số lượng khoảng 150 thương nhân và người phụ việc. Đồng thời, công ty sẽ thực hiện công tác phun xịt tiêu độc, khử khuẩn và vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực sau khi kết thúc thời gian thực hiện trung chuyển hàng hóa mỗi ngày…
Thương nhân, người phụ việc, người mua hàng, lái xe và phụ xe phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ trước khi vào chợ. Đồng thời, tất cả các xe ra vào chợ phải có giấy nhận phương tiện (QR-CODE) của Sở GTVT TP.HCM.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên chiều 12.7, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, trưa 11.7, chợ đã thông báo cho tiểu thương để chuẩn bị nguồn hàng phân phối. Tối 11.7, chợ bắt đầu bố trí điểm trung chuyển hàng hóa tạm. Tuy nhiên, thương nhân không kịp chuẩn bị nguồn hàng hóa và gọi bốc xếp để làm việc nên trong tối 11.7 chỉ có 1 xe tải chở 8 tấn rau củ từ TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xuống giao.
|