3 năm mở 50 cửa hàng

Tháng 4/2016, cửa hàng đầu tiên của Soya Garden khai trương tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Cùng năm, chi nhánh thứ hai xuất hiện trên phố Vũ Phạm Hàm và được đầu tư nhiều hơn về không gian. Khách hàng thời điểm đó chủ yếu là nữ giới dân văn phòng, độ tuổi từ 23 trở lên.

"Cơn ác mộng" với Soya Garden

Trong vòng 3 năm, Soya Garden nhanh chóng mở rộng quy mô lên mức 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh – thành phố. Ảnh VNE

Chỉ một năm sau, mô hình này mở thêm 8 cơ sở nữa tại miền Bắc. Dù có tốc độ mở rộng chi nhánh nhanh, Soya Garden chưa thể tạo tiếng vang lớn trên thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) giống như The Coffee House, Highlands, Gongcha hay Aha đã làm.

Phải đến cuối năm 2017, người ta mới biết đến Soya Garden nhiều hơn sau khi ông Hoàng Anh Tuấn và bà Hoàng Thu Thủy (hai chị em ruột, đồng sáng lập mô hình) lên Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty và nhận được khoản đầu tư từ Shark Thủy (ông Nguyễn Ngọc Thủy).

Thời điểm đó, Shark Thủy đầu tư 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp với lộ trình hoàn vốn 3 năm. Trên thực tế, vốn điều lệ Soya Garden là 30 triệu đồng. Người sáng lập Hoàng Anh Tuấn bị các Shark chê là “lơ mơ về tài chính”.

Tháng 3/2018, Soya Garden tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng. Lúc này 82% cổ phần thuộc về CTCP Tập đoàn Ozen (là công ty của Shark Thủy); ông Hoàng Anh Tuấn còn sở hữu 9,54%; chị gái ông Tuấn là bà Hoàng Thu Thủy (đồng sáng lập) nắm 8,46%.

Đến tháng 3/2019, vốn điều lệ của Soya Garden tăng gấp 5 lên 100 tỷ đồng, nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn giáo dục E Group của ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Sau khi tăng vốn, giai đoạn 2018 – 2020, Soya Garden nhanh chóng mở rộng quy mô lên mức 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh – thành phố lớn trên cả nước, nhưng việc mở rộng không đi kèm tính hiệu quả.

Chỉ mất 1 năm để đóng cửa 80%

Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến ngành F&B bị ảnh hưởng nặng: từ thay đổi thói quen của người tiêu dùng, quy định khoảng cách chỗ ngồi tối thiểu, hay thậm chí là buộc phải đóng cửa các nhà hàng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát…Các yếu tố này cộng dồn khiến cho kết quả kinh doanh của Soya Garden sụt giảm nặng. 

"Cơn ác mộng" với Soya Garden

Soya Garden đóng cửa hàng loạt

Theo dữ liệu trên Nhịp sống kinh tế, năm 2020, CTCP Soya Garden, đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng bán sữa đậu nành pha chế lỗ sau thuế 77 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Năm trước đó (2019), Soya Garden lỗ 62 tỷ đồng. Việc tiếp tục thua lỗ nặng khiến công ty âm vốn chủ sở hữu 53 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm từ 96 tỷ đồng xuống còn 56 tỷ đồng, tức giảm hơn 40%.

Tác động của COVID-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, chuỗi đậu nành đóng 80% số cửa hàng, giữ lại 10 điểm (trong đó đóng toàn bộ tại thị trường TP HCM và hiện chỉ còn 6 cửa hàng đang hoạt động tại Hà Nội).

“Giống như tất cả chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác”, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ hồi tháng 5/2020.

Theo ông Tuấn, đây là hành động tái cơ cấu doanh nghiệp, bỏ bớt các cửa hàng thiếu hiệu quả, giữ lại những địa điểm có vị trí đẹp và đem về doanh thu tốt, đồng thời ra mắt mô hình mới tiết kiệm chi phí mặt bằng và nhân viên hơn.

Còn Shark Thủy nói rằng Soya Garden đang trong quá trình tối ưu hóa mô hình. “Ngày trước, chúng tôi tập trung vào không gian trải nghiệm tại chỗ, nhưng sau một thời gian hoạt động thì đánh giá những mô hình ít chỗ ngồi, ví dụ như kiosk, và đẩy mạnh giao hàng tận nơi sẽ mang lại hiệu quả hơn”, Chủ tịch E Group nói.

Trong kế hoạch tái cấu trúc hiện nay, Soya Garden cho biết sẽ theo hướng mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ và dạng kiosk để tập trung nhiều hơn vào hình thức bán mang đi và giao hàng. Soya Garden kết hợp với một số thương hiệu về F&B, xây dựng mô hình Soya Bistro tương tự như một số nhà hàng đa dạng hiện khá phổ biến tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ngoài ra, chuỗi đồ uống đang thử nghiệm chương trình English Talk Café, hợp tác với Englishnow trong việc bán đồ uống cho học sinh.

Giống như nhiều chuỗi cửa hàng F&B khác, Soya Garden cũng cho biết đẩy mạnh lên online thông qua hợp tác với Grab, Now, Foody, Baemin, VinID.

Hiện tại, ông Hoàng Anh Tuấn – người sáng lập Soya Garden không còn là người đại diện pháp luật và CEO của Soya Garden (theo đăng ký kinh doanh).

Trên trang cá nhân LinkedIn, ông Tuấn vẫn để trạng thái là Founder & CEO của Soya Garden cho đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, sáng lập của Soya Garden cho biết vừa sang đầu quân cho One Mount, công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup (chuyên mảng công nghệ). Ông Tuấn cũng sáng lập nên Astermania, một thương hiệu thời trang tuổi đời nửa năm.