Vốn dĩ, Anh – Ý hoặc Brazil – Argentina đều là các trận chung kết lý tưởng của hai đấu trường EURO và Copa America. Vậy mà, trận cầu thượng đỉnh ở Nam Mỹ, vốn là cái nôi của bóng đá kỹ thuật, lại tẻ nhạt về mọi mặt. Còn trận chung kết trong mơ của châu Âu, nơi bao trùm về bóng đá trí tuệ, lại được quyết định bởi một chọn lựa cực kỳ phản trí tuệ. HLV trưởng mà thậm chí không thể nghĩ ra cái điều một khán giả bình thường cũng thấy rõ, thì còn gì là bóng đá đỉnh cao nữa!
Southgate chọn Bukayo Saka – một chú bé 19 tuổi chưa bao giờ sút phạt đền ở một trận then chốt, làm người đá quả 11 m luân lưu quyết định trong trận chung kết EURO. Sút trước Saka là hai cầu thủ chưa bao giờ nổi tiếng về đá phạt đền, nhưng lại được vào sân thay người chỉ để đá 11 m. Trong đó, Marcus Rashford là cầu thủ đã rớt phong độ suốt 6 tháng nay, với nguyên nhân quá rõ ràng: tâm trí của anh suốt nửa năm qua chỉ được dành cho một chương trình thiện nguyện, bữa ăn học đường. Họ đều sút hỏng – như mọi người thấy trước, dù bóng đá là môn thể thao khó đoán trước điều gì.
Người ta thay thủ môn để bắt 11 m, chứ chẳng ai thay cầu thủ để đá 11 m – đây là cái lý tối thiểu mà Southgate hóa ra không hiểu. Tổng quát hơn, trong cái hoàn cảnh “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà cả thế giới thấy rõ, Southgate rút cuộc đã bỏ lỡ một cơ hội không thể tốt hơn để giúp đội Anh vô địch EURO lần đầu tiên, vì chính ông chẳng có bài bản chiến thuật hay ho nào. Anh tự thua, hơn là Ý chiến thắng.
Nhìn chung, các đội mạnh tại EURO 2020 đều kém ở vị trí… HLV trưởng. Joachim Loew (Đức) quá cổ lỗ sĩ. Didier Deschamps (Pháp) cũng “tự sát” như Southgate: chọn Kylian Mbappe sút quả 11 m quyết định, và nhiều người thấy trước: Mbappe “phải” sút hỏng như một lẽ tất yếu về chuyên môn (anh đang thất bại thảm hại ở phần việc chính của mình là dứt điểm). Đẳng cấp chuyên môn của Roberto Martinez (Bỉ), Zlatko Dalic (Croatia), Frank de Boer (Hà Lan)… đều không theo kịp các ngôi sao trong tay họ.
Bóng đá cấp đội tuyển vốn đã thua hẳn bóng đá tầm CLB về hai điều quan trọng: lực lượng (không được tự do mua sắm cầu thủ như các CLB) và mức độ nhuần nhuyễn (không tập hằng ngày, đá hằng tuần, quanh năm). Bây giờ, lại lộ rõ cái thua về đẳng cấp chuyên môn của đội ngũ cầm quân. Chả trách hai giải đấu lớn cùng lúc là EURO 2020 và Copa America 2021 trở thành những nỗi thất vọng. Cũng là cách chơi giữ bóng nhiều (như Tây Ban Nha, Đức), cũng là các phòng thủ với 3 trung vệ (rất phổ biến tại giải năm nay), nhưng các yếu tố này đều rất hay ở đấu trường CLB, trong khi lại được rập khuôn một cách vụng về, kém cỏi tại EURO.
Làm sao để loại hình bóng đá giữa các ĐTQG bớt tụt hậu so với bóng đá tầm CLB? Có lẽ, điều quan trọng là FIFA và UEFA phải cố nghĩ ra các giải pháp, điều lệ mới cho World Cup và EURO. Chỉ còn trông chờ vào khâu tổ chức mà thôi. Như hiện nay thì… hỏng.