Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án – thang điểm của bài thi môn ngữ văn, nhiều ý kiến cho rằng đáp án như thế là quá thoáng, chung chung, đặc biệt là chưa đánh giá được việc thí sinh (TS) trình bày quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc bản thân. Điểm thi môn văn năm nay dự kiến không cao như mọi năm
“Chưa gặp bài làm nào của thí sinh trả lời như đáp án”
Theo nhiều giám khảo, TS dễ bị mất điểm đặc biệt ở phần đọc hiểu. Đề mở nhưng đáp án lại đóng, khó có TS trả lời theo đúng đáp án mà giáo viên thì lại khó thoát ly, phải bám sát đáp án nên nếu TS có ý lạ, có cách hiểu khác đáp án thì khó cho điểm TS. Điều này thể hiện rõ nhất trong câu 3 và câu 4 của phần đọc hiểu.
Chẳng hạn câu 3 của đáp án ghi là “trả lời như đáp án (gồm 3 ý: “dòng chảy của nước: chậm rãi, hiền hòa”; “cuộc sống của con người: thanh bình, yên ả”; và “quan hệ giữa dòng chảy của nước và cuộc sống con người: gắn bó hài hòa”) thì được 1 điểm”. Nhưng nhiều giám khảo chấm cho biết: “Chưa gặp bài làm nào của TS trả lời như đáp án!”. Nhiều TS suy nghĩ rất hay, rất sâu, rất triết lý về mối quan hệ giữa “dòng chảy của nước” và “cuộc sống con người” nhưng chỉ đạt tối đa nửa số điểm (0,5/1,0 điểm), vì chỉ được 1 trong 3 ý trên.
Câu 4 phần đọc hiểu cũng như thế, tưởng dễ mà rất khó để có 0,5 điểm. Vì hầu hết TS không tái hiện lại hành trình của nước nên mất 0,25/0,5 điểm; hoặc chỉ rút ra 1 bài học (đề có từ “những”, cần phải có từ 2 bài học trở lên) nên câu này không có điểm nào. Nhiều TS viết say sưa, rất giàu xúc cảm nhưng cũng mất điểm như câu 1 ở trên.
Một giám khảo thông tin: “Cả một tổ chấm gần một ngàn bài thi mà chưa có TS nào đạt điểm tối đa phần này”. Vì vậy để tránh thiệt thòi cho TS, giám khảo phải bỏ qua việc đếm ý cho điểm mà cần phải thấu hiểu bài viết của TS.
Hầu hết thí sinh bị… “sóng đè” !
Nếu câu viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) đa số TS đạt điểm từ 1,25 – 1,5 điểm, thì câu nghị luận văn học (cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh) điểm số không cao.
Trong đầu học sinh là khoảng trống về Sóng. Sóng đã không chạm đến trái tim, không chạm đến bộ não của thí sinh trong khi đây là một tác phẩm quan trọng đã học trong học kỳ 1
|
Nhiều giám khảo hài hước cho rằng TS đã bị… sóng đè! Các lỗi dễ thấy nhất trong câu nghị luận văn học này là TS thiếu cảm xúc để phân tích thơ về đề tài tình yêu, chưa hiểu được nội dung tư tưởng hàm ẩn của đoạn thơ nên phân tích không có chiều sâu. Đặc biệt, rất hiếm TS có được 0,5 điểm về yêu cầu “nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”, đa số bỏ trống hoặc viết qua quýt vài câu về phong cách thơ Xuân Quỳnh nên khó đạt trọn điểm. Để có 0,5 điểm sáng tạo ở câu làm văn này, đòi hỏi TS phải đáp ứng các yêu cầu sau: có vận dụng kiến thức lý luận văn học vào bài làm, biết so sánh với các tác phẩm khác, có liên hệ vấn đề với thực tiễn đời sống, và văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc. Nhưng đa số TS khó đạt được 1 trong 4 yêu cầu này.
Có giám khảo nhận xét: “Trong đầu học sinh (HS) là khoảng trống về Sóng. Sóng đã không chạm đến trái tim, không chạm đến bộ não của TS trong khi đây là một tác phẩm quan trọng đã học trong học kỳ 1”.
Từ đó, giáo viên này đưa ra nhận định, do HS đã học “tủ” văn xuôi nên bị “trật”. Chỉ những HS chịu khó, chăm chỉ nghe giảng thì còn làm được bài, còn những em chăm chăm học văn xuôi thì điểm chắc chắn sẽ thấp.
Một giám khảo ở trường THPT khu vực ngoại thành còn cho hay gần ngày thi, trên một số diễn đàn xuất hiện hiện tượng đoán đề của một số giáo viên nhằm “câu view, câu like” nên HS bị hút theo, chỉ tập trung vào văn xuôi.
Phổ điểm môn văn tại tp.hcm trong khoảng 6 – 6,5 ?
Trong 3 ngày chấm thi môn văn tại hội đồng thi TP.HCM, nhiều giám khảo có cùng nhận xét bước đầu là môn văn năm nay không cao như mọi năm. Đa số điểm trong khoảng 6 – 6,5 điểm. Tuy nhiên, tình hình bài làm cho thấy sự phân loại TS rất rõ rệt. Vì bên cạnh những bài làm điểm 2,5 – 3,0 điểm, giám khảo vẫn gặp nhiều bài làm rất tốt, điểm từ 8,75 trở lên.
Một số giám khảo cho biết số bài thi từ 6,5 điểm bắt đầu giảm dần. Có giáo viên tham gia chấm thi tốt nghiệp liên tục 2 năm trở lại đây so sánh với năm 2020, cho hay phổ điểm năm nay không cao hơn. Nói về nguyên do, giám khảo này cho rằng do HS học trực tuyến thời gian khá dài, giáo viên khó kiểm soát hơn so với việc học trực tiếp nên các em đã có phần lơ là. Đồng thời, đề nghị luận xã hội yêu cầu phân tích thơ, khó hơn văn xuôi vì văn xuôi có cốt truyện, các em dễ diễn giải hơn. Chỉ những HS khá giỏi, chăm chỉ mới có ý tưởng diễn đạt.
Xuân Quỳnh là ông trùm thơ tình của Việt Nam (!?)
“Có lẽ câu này có phần quá sức với HS lớp 12. Bởi chỉ từ 3 khổ thơ mà đề thi đòi hỏi TS khái quát một nét trong phong cách trong cuộc đời sáng tác của một nhà thơ. Theo tôi, câu hỏi này có thể tương đương với luận văn thạc sĩ”, một giám khảo tại TP.HCM đưa ra quan điểm.
Theo giám khảo này, hầu như TS “tán” chung chung về tình yêu, diễn giải thơ thành văn xuôi và viết theo kiểu truyện tình tự kể. Đặc biệt có TS còn “tán” ra rằng “Xuân Quỳnh là ông trùm thơ tình của VN” hay có TS ngay trong bài viết nhầm Sóng của tác giả Xuân Diệu…
|
Nhiều giám khảo cũng đồng ý khi cho rằng có thể do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả ôn tập, làm bài của TS. Tình hình chấm (khoảng 1/3 công đoạn) cho thấy điểm thi môn văn chưa có TS bị điểm liệt, điểm 9, 10 cực hiếm hoi. Điểm trên 8 cũng rất hạn chế, thi thoảng mới có vài bài trong một xấp chấm.