Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries, Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
GDP 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,64%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP khá, mặc dù tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ và mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý 1/2021 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020.
Lực đẩy cho tăng trưởng
Kết quả này cho thấy những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả với “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên không thể không nhắc tới điều đáng lo ngại đang hiện hữu là “làn sóng” Covid-19 lần thứ tư đang xâm nhập sâu rộng tới hàng loạt các đầu tàu kinh tế của cả nước trong đó có TP HCM.
Do đó, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào kết quả kiểm soát dịch bệnh.
Hiện Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược vaccine và phấn đấu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với gấp rút triển khai chiến lược vaccine, Việt Nam vẫn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đặt ra từ đầu năm.
Tổng cục Thống kê cập nhật kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 vào kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 và đưa ra hai kịch bản. Kịch bản 1, để đạt được kết quả tăng trưởng cả năm 2021 đạt 6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%. Đây được nhận định là mục tiêu rất khó khăn trong tình hình hiện nay, khi các tỉnh trọng điểm kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Kịch bản 2, đối với mục tiêu trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%, 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%. “Nếu khống chế được dịch bệnh sớm và quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ có khả năng đạt được mục tiêu này”, bà Hương nhận định.
Đồng quan điểm, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries, Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
Nhận định này được đại diện ADB đưa ra trên cơ sở lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam có sự khởi đầu mạnh mẽ trong quý 1/2021 và được dự báo tăng 9,5% trong năm nay, đóng góp 3,5% cho tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Mỹ-Trung Quốc cũng như tác động từ 15 Hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam tham gia sẽ làm gia tăng xuất khẩu của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định: “Từ nay đến cuối năm, trong điều kiện nhiều quốc gia mở rộng sản xuất, nhu cầu nguyên-nhiên vật liệu, phụ tùng đầu vào tăng lên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, từ đó tạo lực đẩy cho kinh tế tăng trưởng”.
Cùng với triển vọng xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm vốn đầu tư nước ngoài từ đăng ký mới và điều chỉnh tiếp tục tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ “ngôi vương” chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cho thấy Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu từ nước ngoài.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ tín dụng với dự kiến đến cuối tháng 6 tăng từ 5,5-6% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,26% cũng minh chứng sức hấp thụ vốn của khu vực sản xuất là những dấu hiệu tích cực.
Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay như Chính phủ đặt ra, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là tốc độ giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế được Chính phủ đề ra từ năm 2020 đến nay đang rất chậm.
Theo Bộ Tài chính đến cuối tháng 5/2021, cả nước giải ngân được 117.493 tỷ đồng, đạt 20,32% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Có tới 39/50 bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%; trong đó, có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Nguyên nhân được Bộ Tài chính đưa ra do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã làm chậm tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.
Tình hình giá cả tăng cao còn diễn ra ở nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp do đứt gẫy chuỗi cung ứng cũng gây e ngại tới gia tăng chỉ số lạm phát.
Mặc dù số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng nhưng có tới 70.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tương đương trung bình mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy khu vực này vẫn rất khó khăn.
Để thúc đẩy khu vực sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ một loạt cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19.
Cụ thể, Bộ này đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp gồm hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải. Hệ thống ngân hàng giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh…
“Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đạt được mục tiêu kép cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội ở mức cao nhất”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Kỳ II: Cơ hội và thách thức
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.