Lào có thể coi là một điểm sáng ở Đông Nam Á khi số ca mắc Covid-19 chưa đến 3.000, dù đã trải qua những thời điểm số ca mắc theo ngày lên tới 3 con số.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước Đông Nam Á đối mặt với làn sóng Covid-19 nguy hiểm, khi liên tục đạt kỷ lục về số ca nhiễm mới và tử vong. Có thể thấy đại dịch Covid-19 làm cho các quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm khá giống nhau, đó là sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus mới và tốc độ tiêm chủng chậm, nhưng mỗi nước lại có chiến lược và các biện pháp ứng phó khác nhau, đưa đến nhiều kết quả khác nhau.
Chính phủ yêu cầu – người dân chấp hành
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt hai tại Lào vào giữa tháng 4, đây được coi là đợt bùng phát mạnh nhất từ trước tới nay đối với Lào. Thủ đô Vientiane là tâm điểm của dịch, có những ngày phát hiện hơn 100 ca lây nhiễm cộng đồng. Cho tới nay, về cơ bản thì Lào bước đầu đã khống chế được số ca lây nhiễm. Hiện, trên cả nước mỗi ngày chỉ phát hiện từ 1-2 ca cộng đồng, hầu hết là có tiếp xúc với các trường hợp mắc trước đó.
Để đạt được kết quả trên, phải nói đến sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao của chính phủ Lào.
Ngay khi dịch có dấu hiệu bùng phát mạnh, lập tức Thủ tướng Lào Phankham Viphavan ban hành Chỉ thị số 15 TTg về việc tăng cường biện pháp hạn chế, kiểm soát và sẵn sàng đối phó toàn diện nhằm chống dịch Covid-19. Theo đó, phong tỏa thủ đô Vientiane bằng các biện pháp như, cấm ra/vào thủ đô hay khu vực có người mắc Covid; ngừng hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa; đóng cửa các nhà hàng, quán ăn, khu trung tâm vui chơi giải trí, khu hoạt động thể thao; khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Chính phủ Lào cũng yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, tích cực tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch đến từng hộ, từng người dân; nâng cấp các cơ sở y tế, trung tâm cách ly và tăng cường kiểm tra, xét nghiệm đối với các trường hợp có nguy cơ mắc hay người có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Ngoài ra, chính phủ Lào cũng yêu cầu các lực lượng quân đội – công an tăng cường kiểm soát, tuần tra khu vực biên giới, ngăn chặn kịp thời và xử phạt nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đồng thời siết chặt các quy định nhập cảnh để tránh lây nhiễm từ nước có dịch vào Lào.
So với các quốc gia trong khu vực và thế giới, các biện pháp mà Lào áp dụng tương đối chặt và được người dân chấp hành một cách nghiêm túc. Mặc dù hạ tầng cơ sở vật chất y tế của Lào không thuộc vào loại khá trong khu vực, nhưng nhìn chung đến nay, các biện pháp phòng chống dịch của Lào đạt kết quả tương đối tốt.
Không lơ là, chủ quan ngăn nguy cơ dịch tái bùng phát
Tâm lý chủ quan của người dân sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh là thực tế khá phổ biến ở nhiều quốc gia, tạo ra nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh trở lại.
Tại Lào, nguy cơ này cũng đã được nhìn nhận rất rõ khi một số nơi, cá nhân vẫn vi phạm các biện pháp phòng chống, trong khi phong tỏa để ngăn chặn dịch lây lan từ khu vực này sang khu vực khác không phải là biện pháp có thể áp dụng lâu dài.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavan cũng nhận định: “Ý thức của một số người dân vẫn chưa cao, một số nơi vẫn vi phạm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Công tác xét nghiệm tại một số cơ sở còn giới hạn, chậm so với tình hình thực tế. Việc khai báo thông tin của người có nguy cơ nhiễm chưa được rõ ràng, một số không hợp tác dẫn đến công tác truy vết gặp nhiều khó khăn”.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cảnh báo, ngay cả với những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và các nước châu Âu, vẫn còn quá sớm để nói về khả năng sớm kết thúc dịch bệnh Covid-19. Những biến chủng virus mới ngày càng nguy hiểm đang khiến dịch bệnh diễn biến hết sức khó lường.
Bởi vậy, chính phủ Lào liên tục kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện, hợp tác cùng chính phủ trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đây được coi là một trong những yếu tố cần thiết, để giữ vững thành quả quốc gia có số ca mắc Covid-19 thấp nhất ở Đông Nam Á.
Ngăn chặn kịp thời hành vi nhập cảnh trái phép
Lào và Thái Lan có độ tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ khoảng 70%. Chính vì có nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, nên lao động Lào rất ưa chuộng sang làm việc tại Thái Lan.
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều lao động Lào trở về nước vì không có việc làm, do nhiều tỉnh của Thái Lan áp dụng biện pháp phong tỏa, khiến các cơ sở sử dụng lao động Lào phải đóng cửa. Điều này làm cho giới chức Lào rất quan ngại về nguy cơ nhiều biến chủng mới có thể xâm nhập thông qua các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Ngày 9/7, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào và Bộ Lao động Thái Lan tổ chức một cuộc họp trực tuyến để cùng bàn bạc các giải pháp, nhằm đưa người lao động Lào trở về nước một cách an toàn. Tại cuộc họp, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động xuất nhập cảnh; hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 và cùng nhau trao đổi thông tin y tế.
Chính phủ Lào cũng kêu gọi công dân trở về theo đường chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế; yêu cầu chính quyền các địa phương giáp biên vận động người dân, khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép phải thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng, tránh để dịch bùng phát mà không rõ nguồn lây nhiễm.
Yêu cầu lực lượng biên phòng túc trực 100% quân số; tăng cường hoạt động tuần tra biên giới để ngăn chặn kịp thời hành vi nhập cảnh trái phép. Trong một cuộc kiểm tra các đơn vị biên phòng mới đây, Thiếu tướng Siphone Chansomvong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thủ đô Vientiane, cho biết: “Chúng tôi huy động mọi nguồn lực của các đơn vị biên phòng, giao cho mỗi đơn vị quản lý từ 30 – 40 km biên giới đường thủy. Tổ chức nhiều đội tuần tra biên giới phía Lào, mỗi bản cử 2 chiến sĩ xuống giúp dân tập kết thuyền bè về nơi qui định, không để tình trạng lợi dụng cơ hội đưa người nhập cảnh trái phép qua đường sông vào Lào”.
Giữ vững “thế trận” trên tinh thần cùng thực hiện, cùng đoàn kết
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực có thể thấy, việc đánh giá đúng nguy cơ, nhanh chóng đưa ra các biện pháp phù hợp có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, phải kể đến sự phối hợp giữa chính phủ và người dân mới có thể giữ vững được “thế trận”.
Hàng ngày, Ban chuyên trách quốc gia về phòng chống Covid-19 của Lào đều tổ chức họp báo, nhằm thông tin về tình hình dịch Covid ở trong nước và trên thế giới, được phát trực tiếp rộng rãi qua các kênh thông tin đại chúng, thậm chí cả mạng xã hội. Điều này giúp người dân Lào không chỉ nắm bắt được diễn biến của dịch bệnh, mà còn chủ động hơn trong công tác phòng chống. Ngoài ra, Lào còn đưa ra Chiến lược tiêm vaccine với mục tiêu hoàn thành 50% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm 2021.
Về ý thức chấp hành các biện pháp của chính phủ, khuyến cáo của cơ quan chức năng được người dân Lào thực hiện rất tốt. Thay vì tâm lý chờ đợi loại vaccine như mong muốn, nhiều người dân Lào đã tự đến cơ sở y tế để được tiêm và mong muốn tiêm. Bởi họ nghĩ bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ những người xung quanh và góp phần chung tay cùng Chính phủ sớm hoàn thành Chiến lược tiêm vaccine.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính phủ trên tinh thần “cùng thực hiện, cùng đoàn kết” sẽ giúp Lào nhanh chóng kiểm soát được làn sóng Covid-19 lần thứ hai, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới như mong muốn của chính phủ nước này cũng như toàn thể người dân Lào./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.