Phương châm 1 cung đường- 2 địa điểm…

Theo đó, ngày 13/7/2021, UBND TP HCM vừa có văn số 2337/UBND-TH về việc dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp không đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TPHCM: Doanh nghiệp phải thực hiện phương châm 1 cung đường - 2 địa điểm

Phương châm 1 cung đường- 2 địa điểm nghĩa là chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân mới được tiếp tục hoạt động.

Theo Công văn 2337, tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đang có diễn biến phức tạp. Và qua sàng lọc, tầm soát, truy vết cho thấy số lượng ca nhiễm là các ca nhiễm ở các doanh nghiệp trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao có mối liên hệ là nơi ở của các công nhân, đang phân tán rộng khắp các địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức… từ đó nguy cơ lây nhiễm cao từ nơi ở của công nhân đến nơi sản xuất và ngược lại.

TPHCM: Doanh nghiệp phải thực hiện phương châm 1 cung đường - 2 địa điểm

Văn bản khẩn của UBND TP HCM gửi các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TP về việc dừng hoạt động của các doanh nghiệp nếu không đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Do đó, để thực hiện tốt nhất mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu đảm bảo sức khoẻ của Nhân dân là trên hết, UBND TP HCM chỉ đạo cụ thể như sau:

Một là, doanh nghiệp đảm bảo được việc vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ.

Hai là, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm 1 cung đường- 2 địa điểm: chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung của công nhân).

Đồng thời, UBND TP HCM cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh thì mới cho phép doanh nghiệp được phép hoạt động sản xuất; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân theo định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo theo điều kiện trên thì phải dừng hoạt động. Thời gian dừng hoạt động kể từ 00h 00 ngày 15/7/2021, cho đến khi có chỉ đạo mới.

Đối với các khu vực phong tỏa cách ly y tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi xuất nhập vật tư, sản phẩm, phương tiện được phép ra vào trong khung giờ từ 22 giờ đến 5 giờ. Đối với tài xế phải có các giấy xác nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực; phải khai báo y tế và cập nhật vào sổ nhật ký hàng ngày; lập danh sách phương tiện, liên hệ UBND phường trú đóng để được cấp phù hiệu cho phương tiện.

… và “3 tại chỗ”

Trước đó, do xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận, UBND quận 7 đã thiết lập khu phong tỏa tại Khu chế xuất Tân Thuận. Trong đó, riêng Công ty PouYuen ở Bình Tân cho biết đã có 30.000 công nhân tạm nghỉ việc.

TPHCM: Doanh nghiệp phải thực hiện phương châm 1 cung đường - 2 địa điểm

Doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh thì mới cho phép hoạt động sản xuất; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân theo định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Sau đề xuất của UBND quận 7, TPHCM về việc doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận tạm ngưng hoạt động, thì tỉnh Long An cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tạm dừng, và có 3 tại chỗ mới được hoạt động tiếp.

Sở dĩ UBND quận 7 đề xuất tạm ngưng hoạt động 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận, xuất phát từ việc 145 người tiếp xúc gần với nữ công nhân Khu chế xuất Tân Thuận mắc COVID-19.

Xác nhận việc thiết lập khu vực cách ly, ông Hoàng Minh Tuấn Anh – Chủ tịch UBND quận 7, cho biết: việc thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 với Khu chế xuất Tân Thuận từ ngày 0h ngày 13/7/2021, do xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu.

Xác nhận với báo chí, một số doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, hiện các doanh nghiệp đã nhận thông báo và đang “gấp rút chuẩn bị kế hoạch”.

Các doanh nghiệp này cho biết thêm, theo thông báo thì từ 0h ngày 13/7, khu chế xuất sẽ hạn chế ra vào, chỉ những doanh nghiệp có đủ điều kiện cách ly sẽ được tiếp tục duy trì hoạt động theo phương thức “vừa cách ly vừa sản xuất”.

Trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm thì phải thuê địa điểm, khách sạn xung quanh và đưa đón bằng xe khép kín, không cho xe cá nhân ra vào cổng khu chế xuất. Phương án cách ly để sản xuất doanh nghiệp đã gửi Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) và đang chờ ý kiến. Tuy nhiên cũng chỉ giữ lại khoảng 25% số lao động hiện có. Số còn lại cho tạm nghỉ 14 ngày và chi trả chế độ theo quy định của pháp luật”, đại diện doanh nghiệp cho biết.