UBND TP.Đà Nẵng vừa gửi văn bản báo cáo Bộ GTVT về chủ trương thành lập Hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo.
Theo đó, văn bản của UBND TP.Đà Nẵng cho biết, theo Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/10/2003 về Xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có nêu phương hướng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics của Đà Nẵng đến năm 2020 là đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế.
Đến năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43 về Xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố để để phát triển kinh tế là cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thành phố được HĐND TP. Đà Nẵng thông qua đã nêu mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp. Trong đó, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Do đó, UBND TP.Đà Nẵng đánh giá việc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG đề xuất thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và đặt Trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại TP.Đà Nẵng là rất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Đây là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế thành phố trong tương lai.
Từ những vấn đề nêu trên, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại Đà Nẵng.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số: 4380/VPCP–CN gửi Bộ GTVT yêu cầu báo cáo sớm về đề xuất thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo của IPPG trước ngày 15/7.
Ngày 13/7/2021, trên cơ sở tham mưu của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã có văn bản số 6782/BGTVT-VT, do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký báo cáo Thủ tướng. Trong đó, kiến nghị chưa cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ GTVT, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP) về kinh doanh hàng không, Thủ tướng có thẩm quyền xem xét, cho phép (hoặc không cho phép) Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép.
Bộ GTVT dẫn Công văn số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ GTVT việc “thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022”.
Bộ GTVT cho biết thêm, hiện các hãng hàng không Việt Nam đang thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19.
Tính đến ngày 28/6/2021, các hãng đã hoán đổi 9 máy bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Ngoài ra, một số máy bay khác cũng chở hàng trên khoang hành khách (chưa tháo ghế) với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay. Tỉ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần, so với trước dịch.
Bộ GTVT nhận định “việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung – cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”.
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay mà sẽ theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh để trình Thủ tướng xem xét (dự kiến là năm 2022).
Theo giới chuyên gia, kiến nghị của Bộ GTVT như trên là chưa đề cập đầy đủ các quy định của pháp luật và chưa thuyết phục. Bởi theo mục 1, Điều 5 Luật Đầu tư 61/2020/QH14 quy định: “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”. Bên cạnh đó, Điều 31 của Luật này cũng nêu rõ, việc thành lập hãng hàng không khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ.
Ngoài ra, theo Nghị định số 89/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Công ty CP IPP Air Cargo có đủ điều kiện theo luật định.
Do đó, xét theo các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trên thì Công ty CP IPP Air Cargo chỉ cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Và Cục Hàng không Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không có trách nhiệm thẩm định và báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
“Việc Bộ GTVT cho rằng, thời gian qua, các hãng hàng không Việt Nam đang thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19 để “bác” đề xuất thành lập một hãng hàng không chuyên biệt về vận tải hàng hóa thể hiện một tư duy “chắp vá”. Bởi hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách sụt giảm thì các hãng hàng không tháo ghề chở hàng, khi khách tăng trở lại, các hãng bay lại nắp ghế để chở khách. Khi đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa ai sẽ đảm nhận, hay lại tiếp tục nằm trong tay các “ông lớn” của ngành vận tải hàng không thế giới”, một vị chuyên gia nêu vấn đề.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc các hãng bay tham gia tham gia vận tải hàng hóa hiện nay chỉ là một giải pháp tạm thời trong lúc thị trường vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch bệnh nên không thể lấy đó làm lý do để trì hoãn việc cấp phép thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thì cần thiết phải có một hãng hàng không chuyên biệt về vận chuyển hàng hóa.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.