Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 16.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:
Thêm 1 ngày ghi nhận hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mới
Bản tin dịch Covid-19 tối 16.7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 1.898 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong ngày lên 3.336 bệnh nhân.
Thông tin về 3.336 ca mắc mới như sau:
+ 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM (6), Quảng Ninh (5), Thanh Hóa (3), Hà Nội (1).
+ 3.321 ca ghi nhận trong nước; trong đó 2.939 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Gồm: TP.HCM (2.420), Bình Dương (166), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (146), Đồng Nai (72), Khánh Hòa (57), Vĩnh Long (49), Phú Yên (44), Đà Nẵng (39), Tây Ninh (33), Cần Thơ (19), Nghệ An (16), Bến Tre (15), Hưng Yên (15), Bình Phước (13), Bình Thuận (9), Kiên Giang (8 ), Hậu Giang (7), Bắc Ninh (7), Hà Nội (6), Quảng Ngãi (4), Ninh Thuận (3), Lâm Đồng (2), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Giang (2), Đắk Nông (1), Lạng Sơn (1), An Giang (1)Thanh Hóa (1), Lào Cai (1), Đắk Lắk (1), Vĩnh Phúc (1).
Như vậy, tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 44.186 ca Covid-19, trong đó 42.179 ca ghi nhận trong nước và 2.007 ca nhập cảnh.
– Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 40.609 ca.
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.020 ca.
– Số ca tử vong: 225 ca.
Công bố thêm 18 bệnh nhân Covid-19 tử vong
Chiều 16.7, Bộ Y tế thông báo 18 ca tử vong do Covid-19 (ca tử vong số 208 – 225). Đây là các bệnh nhân tử vong từ ngày 8 – 14.7 tại TP.HCM, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Cụ thể, ngày 8.7 có 2 ca tử vong là BN 24058 tại TP.HCM và BN 26659 tại Đồng Tháp.
Ngày 10.7 có 1 ca, là BN 29267 tại Long An.
Ngày 11.7 có 2 ca là BN 26665 tại Đồng Tháp và BN 19571 tại Long An.
Ngày 12.7 có 7 ca là BN 13083 tại Bắc Giang; BN 21072 tại Đồng Nai; BN 35461 tại Đồng Tháp; và 4 ca tại TP.HCM là các BN 30306, 21233, 26399, 31155.
Ngày 13.7 có thêm 5 ca tử vong, gồm BN 31179 tại TP.HCM; BN 26671 tại Đồng Tháp; BN 14332 tại Long An và 2 ca tại Bắc Ninh là các BN 8489, 10761.
Ngày 14.7 có 1 ca tử vong là BN 23084 tại Bình Dương.
Theo Bộ Y tế, trong hệ thống quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 còn ghi nhận một số ca tử vong khác, nhưng chưa được các cơ sở điều trị cập nhật đủ thông tin.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở điều trị tiếp tục rà soát và cập nhật thông tin về các trường hợp này để có cơ sở thông báo chính thức về các ca tử vong do Covid-19.
TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nếu dịch bệnh diễn biến xấu
Tại cuộc họp báo chiều 16.7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã đưa ra 3 kịch bản dịch bệnh Covid-19 sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng.
Kịch bản thứ 1, TP.HCM kiểm soát được dịch Covid-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện Chỉ thị 16; có thể là Chỉ thị 16 “trừ” hay Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19.
Kịch bản thứ 2 là TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn.
Còn kịch bản thứ 3 là dịch bệnh Covid-19 gia tăng mạnh mẽ, thậm chí mất kiểm soát buộc TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.
Ông Mãi cho biết Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu mong muốn là theo kịch bản thứ 1. Tuy nhiên, trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường thì TP cũng lường trước đến chuyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong một thời gian nữa.
Bắt được tử tù mắc Covid-19 bỏ trốn ở TP.HCM
Nguyễn Kim An (26 tuổi, quê ở H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) là tử tù vừa trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hòa vào ngày 13.5 gây xôn xao dư luận những ngày qua. Rạng sáng 16.7, tử tù này đã bị Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) – Công an TP.HCM bắt giữ và đưa về Trại tạm giam Chí Hòa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 15.7, đại tá Trà Văn Lào, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM ký quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Kim An (26 tuổi, quê Bình Thuận) về tội “trốn khỏi nơi giam”, đồng thời ký quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can này.
Theo hồ sơ, ngày 25.2.2014, An nảy sinh ý định cướp xe máy của Đ. (bạn thân của An – PV) nên mua thuốc an thần rồi hẹn nạn nhân đi uống cà phê tại Q.6 nhưng bất thành do nạn nhân thấy nước đắng và nhổ ra.
Đến tối 26.6.2014, An tiếp tục hẹn Đ. đến nhà trọ của mình tại đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) rồi pha thuốc an thần vào nước cho nạn nhân uống. Qua thời gian ngấm thuốc, An tưởng nạn nhân đã chết nên nhét vào bao tải và chở đến cầu Phú Mỹ (Q.7) ném xuống sông.
Để xóa dấu vết, An dùng ĐTDĐ của nạn nhân gọi cho người thân (mẹ của nạn nhân – PV) bịa chuyện An bị bắt cóc, đòi 500 triệu đồng tiền chuộc. Sau đó An đã bị bắt giữ. Năm 2015, An bị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên y án tử hình về tội giết người, cướp tài sản.
An sau đó bỏ trốn khỏi nơi giam giữ khi đang nhiễm Covid-19 và vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ. Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Lùa vịt, dắt chó đi dạo trong Phú Mỹ Hưng ngày giãn cách
Sáng 16.7, đội CSGT – TT Công an Q.7 (TP.HCM) cùng Cảnh sát cơ động phối hợp tuần tra lưu động kiểm tra người dân ra đường không lý do theo Chỉ thị 16 trong khuôn viên Phú Mỹ Hưng. Sau 2 tiếng chạy xe qua các tuyến đường, CSGT đã ghi nhận vẫn còn nhiều người lùa vịt, dắt chó đi dạo.
Khoảng 10 giờ 15 phút, đang đi tuần tra CSGT nhìn thấy trên bãi đất trống giữa các tòa biệt thự có 3 mẹ con đang ngồi chơi cùng 2 con vịt.
Sau khi được CSGT nhắc nhở, 3 mẹ con loay hoay khoảng 5 phút mới lùa 2 con vịt vào chiếc lồng, dọn luôn 2 chiếc ghế nhựa rồi xách lên nhà. Trường hợp này CSGT chỉ nhắc nhở, không xử phạt.
Trong bãi đất trống cách đó chừng 300m, CSGT cũng phát hiện người đàn ông không đeo khẩu trang dắt 2 con chó được cột dây, không rọ mõm ra đi dạo nên đã dừng xe, đi bộ vào trong khoảng đất.
Một người dắt 2 con chó ra bãi đất cũng bị CSGT yêu cầu về nhà
|
Làm việc với CSGT, người đàn ông cho hay nhà ở ngay bãi đất nên dắt chó ra ngoài chút xíu. Vì ngay gần nhà nên CSGT đã nhắc nhở, tuyên truyền Chỉ thị 16 và yêu cầu người này không được tái phạm.
Trong sáng 16.7, CSGT – Trật tự Công an Q.7 cũng dừng xe ngẫu nhiên nhiều trường hợp lưu thông trên đường để kiểm tra. Những người đi bộ vi phạm Chỉ thị 16 sẽ được CSGT bàn giao công an phường để xử lý, CSGT sẽ lập biên bản các trường hợp có gắn liền với điều khiển phương tiện.
Cô gái váy ngắn leo rào phong tỏa Covid-19 cao 3 mét, bị dân đuổi ra
Một sự việc hy hữu đã xảy vào ngày 13.7.2021 tại P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khi một cô gái mặc váy ngắn bất chấp hàng rào cao 3 mét để vào trong khu phong tỏa Covid-19.
Hành động của cô gái đã bị người dân trong khu phong tỏa ở P.Tân Hòa phát hiện. Họ đứng chặn ngay đầu hẻm rồi buộc cô gái phải leo ra ngoài theo đúng như cách đã đi vào. Cô gái đôi co một lúc rồi cũng phải leo qua rào để ra ngoài. Cô vượt qua hàng rào cao 3 mét cũng nhanh không kém gì lúc leo vào. Đã là gần nửa đêm, cũng may là cô gái có người đi cùng.
Ngày 16.7.2021, để đề phòng lại có người “thông chốt” bằng cách vượt rào, lực lượng chức năng đã thay thế rào phong tỏa 3 mét bằng tấm tôn kiên cố.
Dịch bệnh Covid-19 căng thẳng với hơn 800 ca bệnh đã khiến toàn tỉnh Đồng Nai đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ.
Những ngày vừa qua, để ngăn chặn, dập những ổ dịch Covid-19 phức tạp, TP.Biên Hòa đã phong tỏa nhiều phường.
Tại Tân Hòa, do địa bàn dọc theo mặt tiền Quốc lộ 1 nên có nhiều đường lớn thông ra. Khi phong tỏa, chính quyền đã giăng dây đồng thời dựng hàng rào bằng khung sắt.
Ngày 16.7, trả lời phóng viên Báo Thanh Niên qua điện thoại, Chủ tịch P.Tân Hòa cho biết do lực lượng mỏng không đủ chốt hết các ngả đường. Một số đường lớn phường chỉ dựng hàng rào, có lực lượng chức năng trực gác, tại đây sẽ cho người dân ở ngoài gửi hàng tiếp tế cho người dân bên trong.
Tính đến nay, ngày 16.7, TP.Biên Hòa đã phong tỏa hoàn toàn 6 phường: gồm Hóa An, Hòa Bình, Hố Nai, Tân Hạnh, Tân Biên, Tân Hòa. Ngoài ra, các phường Trảng Dài và Long Bình Tân cũng đã bị phong tỏa phần lớn. Bên cạnh đó còn phong tỏa hàng chục khu vực nhỏ lẻ khác.
Tính từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 800 ca dương tính với Covid-19, trong đó TP.Biên Hòa chiếm nhiều nhất, tiếp theo là H.Thống Nhất, kế đến là H.Nhơn Trạch.
Bên trong đại công trường xây dựng thần tốc 2 bệnh viện dã chiến
Trong 1 tuần qua, hằng ngày có hàng chục xe ben chở cát, đá xếp hàng dài trên đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn xã Bình Hưng, H.Bình Chánh (TP.HCM). Sau đó lần lượt từng xe chạy vào lô đất số 6, khu 9A + B, Khu đô thị mới Nam TP. Bên trong công trường, các xe múc, xe ủi và hàng trăm công nhân miệt mài làm làm việc.
Quản lý tại công trình cho biết, bệnh viện dã chiến này có quy mô hơn 56.000 m2, 3.300 giường, chủ đầu tư là Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hiện công trình đang giai đoạn san lấp mặt bằng với khoảng 200 công nhân làm việc, chia 3 ca làm 24/24.
Bệnh viện dã chiến tại H.Bình Chánh đang khẩn trương san lấp mặt bằng
|
Tùy vào giai đoạn công việc, số lượng công nhân được điều phối nhiều hay ít. Công trình sau khi lan lấp sẽ làm móng, đổ bê tông nền, bắt điện, nước, lắp ráp nhà tiền chế…
Công trình khẩn cấp bệnh viện dã chiến tại lô đất số 6, khu 9A + B, Khu đô thị mới Nam TP đã được Sở Xây dựng trình UBND TP phê duyệt. Theo tờ trình, thời gian bàn giao công trình này vào ngày 7.9. Công trình được sử dụng cho điều trị, cách ly người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Đến đầu tháng 9.2021 sẽ hình thành Bệnh viện dã chiến xã Tân Hưng, H.Bình Chánh quy mô 3.300 giường
|
Trong khi đó, tại số 16 đường Đào Trí, P.Phú Thuận, Q.7, công nhân cũng đang thi công rấp rút để hoàn thành bệnh viện dã chiến với tổng công suất có thể lên đến 3.600 giường. Dù giờ nghỉ trưa nhưng công nhân vẫn làm việc.
Công nhân chuẩn bị vỉ sắt đổ bê tông nền tại Bệnh viện dã chiến ở Q.7
|
Bệnh viện dã chiến tại Q.7 có 2 khu vực gồm khu vực nhà xưởng sẵn có quy mô sau khi cải tạo có thể lên đến khoảng 2.000 giường và khu vực thi công bên ngoài có quy mô 1.600 giường. Chủ đầu tư cũng là Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ở khu vực thi công bên khu vực 1.600 giường, một phần nền nhà đã đổ bê tông, dựng khung cột và chuẩn bị lợp mái, chia phòng bằng tấm cách nhiệt. Bên cạnh đó là khu vực đang thi công nền móng chuẩn bị đổ bê tông.
Người Sài Gòn ra bưu điện… mua lương thực bình ổn giá từ sáng sớm
Chiều 15.7, đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết nhằm chia sẻ với các cơ quan chức năng trong việc bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Bưu điện TP.HCM đã tổ chức cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại các điểm phục vụ là các bưu cục.
Ngoài ra, chiều 15.7, Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết từ ngày 16.7, sẽ sử dụng chuỗi cửa hàng cho em bé và các bà mẹ Con Cưng với 150 điểm, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng sức khỏe và sắp đẹp Guardian với 65 điểm bán và hệ thống Vinshop để bán mặt hàng rau củ và hàng đông lạnh nhằm giảm tải cho các cửa hàng bách hóa tiện lợi.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, chuỗi cửa hàng cho em bé và các bà mẹ Con Cưng với 150 điểm sẽ bắt đầu bán rau củ, đồ đông lạnh từ chiều 16.7.2021
|
Ghi nhận trong sáng 16.7, rau củ và hàng đông lạnh chưa về các chi nhánh của Con Cưng và Guardian trên địa bàn thành phố. Nhân viên một cửa hàng Guardian trên đường Nguyễn Thị Minh Khai hẹn khách quay trở lại vào khoảng 11 giờ trưa, còn quản lý của cửa hàng Con Cưng cuối đường này cũng cho biết đang chờ hàng hóa về và xin số điện thoại của khách hàng, khi nào hàng về sẽ thông báo.
Tại bưu cục Q.3, TP.HCM, người dân đã đến mua lương thực từ sớm. Bà Mai Trang, trưởng bưu cục Q.3, TP.HCM cho biết, chương trình thực phẩm bình ổn lưu động chính thức được triển khai từ chiều 15.7.2021, toàn bộ số hàng hóa của sở công thương cung cấp cho hệ thống VNPost.
“Hàng hóa chủ yếu là rau củ, đồ hộp, dầu ăn, gạo. Giá gạo đang có chương trình khuyến mại cao cho khách hàng sử dụng”, bà Trang nói. Sáng 16.7, số lượng mặt hàng còn hạn chế, nhiều người dân được hẹn đầu giờ chiều qua lại. Trưởng bưu cục lý giải hàng hóa thường về vào giờ trưa nên sẽ dồi dào, phong phú từ khoảng 14 giờ mỗi ngày.
“Trong thời gian mới có 1-2 ngày triển khai, thường ngày 11 giờ mới có hàng về nên bán buổi chiều còn thì hôm sau chúng tôi vẫn duy trì bán vào buổi sáng” bà Trang cho biết.
Chủ garage xin hàng chục tấn rau cho người dân trong khu phong tỏa
Nhiều ngày qua, garage xe của anh Nguyễn Trường Vũ (ngụ Q.12, TP.HCM) luôn chất đầy rau củ quả tươi ngon.
Đó là số thực phẩm mà anh Vũ liên hệ nhiều nơi để về hỗ trợ cho người dân ở trong khu phong tỏa Covid-19 và các bếp ăn từ thiện. Tùy thời điểm và khả năng hỗ trợ từ bạn bè và các mạnh thường quân mà số lượng rau củ về mỗi ngày có thể khác nhau, ít thì vài tấn, nhiều có khi tới vài chục tấn.
Rau củ tươi xanh được anh Vũ nhập về từ Tây Nguyên
|
Sau khi rau củ về đến TP.HCM, anh Vũ cũng gặp bài toán mới là làm sao để vận chuyển số thực phẩm tươi này đến tay người dân ở khu phong tỏa kịp thời nhất. Số lượng rau củ lên đến hàng tấn và rất khó để trữ tươi lâu ngày, nếu chậm trễ thì coi như phí hoài công sức.
Nhưng lo lắng của anh Vũ không kéo dài. Biết tin, nhiều anh em tài xế đã tìm đến anh để hỗ trợ vận chuyển. Nhiều người không có xe tải nên tận dụng luôn xe ô tô gia đình hoặc xe chở khách tới chuyển rau củ đến cho bà con khu phong tỏa.
Những chuyến xe đưa rau củ đến garage của anh Vũ
|
Rau được phân thành từng túi để bà con dễ nhận
|
Một số người sau khi biết việc làm của anh Vũ cũng đã xin rau củ về để hỗ trợ bà con trong khu vực mà họ sinh sống. Sau khi thống nhất về số lượng, anh Vũ sẽ nhờ tài xế giao tới tận nơi.
Ngoài xin rau củ về hỗ trợ người cho những người sống trong nhưng nơi bị phong tỏa, tại garage của anh Vũ còn tổ chức gian hàng 0 đồng để hỗ trợ người khó khăn quanh khu vực. Gian hàng 0 đồng ngoài rau củ quả thì còn các phần gạo, mì, nước tương, trứng. Các nhu yếu phẩm này đều do vận động từ bạn bè và các mạnh thường quân.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 16.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.