Chuyên gia liên ngành, hồ sơ liên tỉnh
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết hồ sơ gửi UNESCO của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hồ sơ liên tỉnh. Theo đó, có 3 tỉnh cùng tham gia thực hiện hồ sơ di sản văn hóa thế giới này, gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. “Cũng đã có nhiều thảo luận trước khi chọn tên hồ sơ là Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Hiện tại, UNESCO đang rất khuyến khích các di sản đa quốc gia, di sản liên tỉnh”, ông Bài nói.
Cũng theo PGS-TS Đặng Văn Bài, đây là một hồ sơ khó, đòi hỏi nhiều góc nhìn của các chuyên ngành khoa học khác nhau. Vì thế, có thể nói đội ngũ liên ngành khi thực hiện hồ sơ này thuộc diện hùng hậu nếu so với các hồ sơ di sản văn hóa thế giới trình UNESCO khác mà Việt Nam từng thực hiện. “Chúng ta thành lập một nhóm chuyên gia. Có nhiều người trong đó đã có kinh nghiệm thực hiện hồ sơ với các di sản văn hóa thế giới khác như Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long hay Tràng An… Lần này, hồ sơ sẽ có sự tham gia của chuyên gia lịch sử, chuyên gia địa chất, chuyên gia khảo cổ học, chuyên gia Hán Nôm, chuyên gia di sản phi vật thể… Đây là một hồ sơ khoa học liên ngành”, ông Bài cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng đã xác nhận sẽ tham gia vào quá trình thực hiện hồ sơ cho Yên Tử. Hầu hết đều là các chuyên gia đầu ngành hoặc những người đã nghiên cứu Yên Tử nhiều năm, chẳng hạn như PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam. Ông từng đóng vai trò quan trọng khi thực hiện hồ sơ Hoàng thành Thăng Long.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử
|
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cũng tham gia và chịu trách nhiệm phần địa chất. Ông Văn là người đã chèo lái hồ sơ vịnh Hạ Long, Tràng An, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng, cao nguyên đá Hà Giang…
Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ VH-TT-DL cho biết đã hoàn thành việc đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới. Hồ sơ về quần thể này sau khi hoàn thành sẽ được trình UNESCO xem xét, ghi vào danh mục di sản thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản thế giới 1972.
Cân não chọn tiêu chí
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, các chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về việc lựa chọn tiêu chí di sản để đưa vào hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Chính vì thế, có khả năng sẽ có nhiều tiêu chí được đưa ra, được nghiên cứu để lựa chọn và không loại trừ việc tham vấn chuyên gia quốc tế.
PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, nêu: “Tư tưởng Trần Nhân Tông cũng là một phần quan trọng của hồ sơ”. Trên thực tế, cũng đã từng có người đề xuất nghiên cứu tư tưởng Trần Nhân Tông để làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho Yên Tử. Tuy nhiên, sau nhiều thảo luận, giới chuyên gia cho rằng không nên làm hồ sơ UNESCO cho riêng tư tưởng Trần Nhân Tông.
TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thì cho rằng có thể làm hồ sơ theo hướng xác định Yên Tử như một cảnh quan văn hóa từ bao đời nay, đã và đang tồn tại những di sản của cộng đồng, di sản sống, di sản văn hóa phi vật thể. Để làm được việc đó, các nhà khoa học cần chứng minh sự có mặt của con người trên vùng đất này qua nhiều thế hệ. Cũng cần nhận diện những cộng đồng đang nắm giữ truyền thống văn hóa, hiện đang tương tác với môi trường cảnh quan ở đây. Hồ sơ cũng cần chỉ ra các di sản về tri thức tự nhiên và vũ trụ, những nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến con người và môi trường Yên Tử.
Về phần mình, PGS-TS Trần Tân Văn nhận định hồ sơ có thể làm theo hướng chứng minh Yên Tử có các giá trị nổi bật toàn cầu theo nhiều tiêu chí. Theo ông, kết quả nghiên cứu địa chất có thể đóng góp nhiều cho hồ sơ. “Thứ nhất, nghiên cứu địa chất giúp mô tả chung về điều kiện địa lý tự nhiên. Thứ hai, góp phần chứng minh tiêu chí về truyền thống sử dụng lãnh thổ, sử dụng đất và nước, sử dụng biển”, ông Văn nói.
Về việc cần cả nghiên cứu lịch sử, văn hóa lẫn tự nhiên, hay có sự tương đồng giữa hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với hồ sơ di sản văn hóa thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, PGS-TS Văn cho rằng: “Cũng không hẳn như vậy. Tràng An có tiêu chí về văn hóa giống với bên Yên Tử, còn các tiêu chí còn lại là cảnh quan và địa chất địa mạo đều là về thiên nhiên. Còn Yên Tử bên cạnh tiêu chí văn hóa là các tiêu chí khác về Phật giáo, tư tưởng, kiến trúc…”.