Việc khó nhất ông Luis de la Fuente đã làm xong rồi. Đó là quy tụ lực lượng hùng hậu có 6 hảo thủ – Pedri, Eric Garcia, Dani Olmo, Unai Simon, Mikel Oyarzabal và Pau Torres vừa thi đấu EURO 2020. Tây Ban Nha đã thuyết phục được CLB RB Leipzig (Đức) “trả” Olmo cho đội Olympic. Với các CLB trong nước thì dễ dàng hơn. LĐBĐ Tây Ban Nha quyết không nhượng bộ trong cuộc chiến giành cầu thủ với các CLB. Pedri là một ví dụ. Barcelona dĩ nhiên không muốn “nhả” ngôi sao EURO này, nhưng rút cuộc đội Olympic Tây Ban Nha vẫn có Pedri, trong cái lĩnh vực mà mọi quy định đều rất nhập nhằng.
Chính vì quy định CLB không nhất thiết phải trả cầu thủ cho đội Olympic (nhưng LĐBĐ thì sẽ gây áp lực, có thể “đì” các CLB trong nước), nên thành phần các đội dự Olympic ở môn bóng đá nam rất không đồng đều. Đội mạnh đơn giản là đội quy tụ được nhiều hảo thủ nhất (không bị các CLB làm khó). Riêng trong khía cạnh này, có thể nói luôn: Tây Ban Nha hơn đứt các đội danh tiếng khác tại Olympic Tokyo. Brazil chỉ có Richarlison (Everton) là đáng kể. Dani Alves đã là một lão tướng 38 tuổi, về nước chơi bóng rồi. Malcolm (Zenit St Petersburg) hoặc Douglas Luiz (Aston Villa) đều “làng nhàng”. Đức và Pháp hoàn toàn không có ngôi sao. Gạn đụng khơi trong đi nữa, cũng chỉ có thể kể ra vài cầu thủ hết thời như Andre-Pierre Gignac, Florian Thauvin (Pháp), Max Kruse (Đức).
Trên lý thuyết, các ngôi sao phải thi đấu liên tục chưa chắc đã phát huy được tài nghệ như dự kiến. Còn trên thực tế, lực lượng hùng hậu của Tây Ban Nha áp đảo các đối thủ mạnh về đẳng cấp, nên dù không có phong độ thượng đỉnh thì họ vẫn là ứng cử viên vô địch số 1. Ngoài ra họ còn có hàng loạt tuyển thủ quốc gia đáng gờm khác: Marco Asensio, Dani Ceballos, Mikel Merino… Chỉ có 5 người trong danh sách 22 cầu thủ Olympic Tây Ban Nha là chưa từng khoác áo ĐTQG. Đây cũng là điều mà các đội bóng nổi tiếng khác tại Tokyo đều không có được. Cần nhớ: Tây Ban Nha đã phải lập ra hai ĐTQG song song tại EURO 2020 vừa qua, để đề phòng tình trạng phải thay toàn bộ lực lượng vì Covid-19. Thành phần dự Olympic kỳ này chủ yếu là sự chắt lọc lại từ 2 ĐTQG ấy, sao cho phù hợp tiêu chí “U.23 + 3” về độ tuổi (thực tế là “U.24 + 3”, vì Olympic 2020 phải hoãn 1 năm).
Xưa nay, Tây Ban Nha chỉ mới vô địch bóng đá nam Olympic 1 lần (năm 1992, tại sân nhà). Đó cũng là nhờ lực lượng quá tốt. HLV Luis Enrique của ĐTQG hiện thời, hoặc Pep Guardiola danh tiếng, đều nằm trong đội Tây Ban Nha vô địch kỳ Olympic ấy.