Chúng ta đang chứng kiến làn sóng di chuyển lao động từ phía nam về các tỉnh thành. Để đảm bảo mục tiêu kép, lực lượng này hoàn toàn có thể được bổ sung vào các khu, cụm công nghiệp.
Trong đó, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là những tỉnh đang tích cực đón công nhân về quê tránh dịch. Cùng thời điểm, ngành dệt may của tỉnh này cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, đây có thể là cơ hội tốt để ngành dệt may và một số ngành khác tại Thanh Hóa cũng như nhiều tỉnh thành thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân lực hiện nay.
Nhân lực ngành dệt may là bài toán khó giải
Thanh Hóa hiện là địa phương có khoảng 200 nhà máy may, đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhân lực là rất lớn để đáp ứng đủ công suất sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang nhận được nhiều đơn hàng hơn do tình hình căng thẳng tại Myanmar. Tuy nhiên, theo Hiệp hội dệt may Thanh Hóa (Vitas Thanh Hóa) cho biết, số lao động dệt may tại Thanh Hóa chỉ đáp ứng tối đa 70% công suất thiết kế của các nhà máy, gây ảnh hưởng đến năng suất, doanh thu. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn.
Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa bàn của tỉnh Thanh Hóa như thành phố Thanh Hóa, huyện Bỉm Sơn, huyện Nông Cống, huyện Hoằng Hóa,…Từ Tết Nguyên Đán tới nay, ngành dệt may, da giày của tỉnh đã đăng ký tuyển dụng tới gần 10.000 vị trí việc làm nhưng kết quả tuyển dụng được chưa được như mong đợi.
Theo nhiều chuyên gia, ngành dệt may vốn được coi là ngành ít được người lao động ưa chuộng. Một phần nguyên nhân do mức lương, chế độ phúc lợi không hấp dẫn, chưa thể bù đắp lại sự hao tổn về thể chất, tinh thần trong quá trình làm việc. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang cải thiện chế độ cho người lao động nhưng vì ngày càng nhiều công ty ra đời, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn nên sự khan hiếm nhân lực vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, dệt may là ngành có môi trường làm việc khá áp lực, chặt chẽ về mặt thời gian, phải làm tăng ca nhiều. Với những người lao động là nữ, cường độ làm việc quá nặng sẽ khiến họ thiếu chu toàn với gia đình hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt trong thời kỳ mang thai, sinh nở.
Tình trạng này càng khó khăn hơn khi trong những thời điểm dịch bệnh cao điểm, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Nhiều người lao động đã chuyển hướng sang ngành khác hoặc bán hàng online và không muốn quay lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
Đã đến lúc chủ đầu tư KCN, CCN vào cuộc
Trước tình trạng nhiều người lao động trở về quê để tránh dịch, chính quyền địa phương, các sở ngành có liên quan và chủ đầu tư, ban quản lý các KCN, CCN tại Thanh Hóa cũng như nhiều tỉnh thành có thể tận dụng cơ hội này để thể hiện năng lực trong việc quản lý nhân lực, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Theo ông Đoàn Duy Hưng – Tổng giám đốc công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM), để tận dung cơ hội này, UBND tỉnh Thanh Hóa nên cho triển khai ngay một ứng dụng công nghệ 4.0 về nhân lực để theo dõi toàn bộ danh sách công nhân về quê, cập nhật chỗ ở, kinh nghiệm làm việc trước đây, nhu cầu tìm kiếm công việc mới của từng người để các cơ quan nhà nước có liên quan, chủ đầu tư các KCN, CCN các nhà máy nắm bắt được thông tin để giới thiệu và tuyển được công nhân có năng lực kinh nghiệm và địa bàn phù hợp. Ngoài ra, với ứng dụng công nghệ này thì chủ đầu tư các KCN, CCN và các nhà máy cập nhật nhu cầu tuyển dụng của mình để các công nhân có thể tìm kiếm được đơn vị tuyển dụng và vị trí làm việc phù hợp để ứng tuyển, các cơ quan nhà nước có thông tin để giới thiệu các công việc phù hợp với người lao động.
Tuy nhiên, vì đây là công tác tuyển dụng trong mùa dịch, các ban quản lý KCN, CCN cần có năng lực điều phối, kiểm soát việc khai báo y tế tốt, đảm bảo dịch bệnh không lọt vào KCN, CCN. Nguyên nhân vì đây đều là những công nhân trở về từ vùng dịch, thậm chí là tâm dịch. Vì vậy, bên cạnh vấn đề bổ sung nhân sự, doanh nghiệp cũng như ban quản lý cần thận trọng, tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Đối với những công nhân về quê tránh dịch, ngoài niềm vui trở về nhà, họ còn có nhiều nỗi lo, trăn trở về tương lai phía trước. Do đó, nếu có thể làm tốt công tác tuyển dụng song song với kiểm soát dịch, các ban quản lý KCN, CCN cũng đã phần nào giúp họ vơi bớt nỗi lo, giúp các doanh nghiệp đảm bảo sản lượng và góp phần đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép đã có dấu hiệu phục hồi bất chấp dịch bệnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, dệt may là ngành tương đối ổn định, có thể giúp công nhân đảm bảo sinh kế trong những trường hợp khó khăn. Vì vậy, cơ hội này không chỉ có tác động đến người lao động mà còn thay đổi cái nhìn về tương lai ngành dệt may, giúp ngành dệt may nước nhà phát triển bền vững, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.