Monday, November 25, 2024

Tăng cường thiết bị, phân loại mức độ F0 để quản lý, điều trị



Cần đánh giá, phân loại các ca F0, F1 theo các nguy cơ, các mức độ triệu chứng để tập trung các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường thiết bị, phân loại mức độ F0 để quản lý, điều trị

 

Bộ Y tế cần đánh giá lại toàn diện biến chủng mới của SARS-CoV-2, cùng với các nghiên cứu khác của thế giới có đối sách phù hợp hơn, đồng thời đánh giá, phân loại các ca F0, F1 theo các nguy cơ, các mức độ triệu chứng để tập trung các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm. Đó là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra hôm qua (19.7).

Không để bệnh nhân thiếu máy thở, nhân viên y tế thiếu phòng hộ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại TP.HCM, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày, có xu hướng gia tăng từng ngày. Tương tự là các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai trong 7 ngày gần đây số ca mắc vẫn ở mức cao. Ông Long cho rằng thời gian tới, đặc biệt là 5 – 7 ngày nữa, tình hình diễn biến phức tạp, số bệnh nhân (BN) nặng có thể gia tăng.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP.HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Trong 2 ngày 17 – 18.7, kho đã tiếp nhận 299 máy thở các loại. Cùng với đó, hơn 6.400 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế đã được điều động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận, số lượng đang sẵn sàng chi viện thêm là hơn 9.000 người.
Về năng lực sử dụng ô xy hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở ô xy. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy ô xy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50 – 100% công suất. Bộ Y tế cũng đã họp với 17 nhà máy sản xuất ô xy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ ô xy, tăng khả năng phân phối.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã báo cáo và xin ý kiến Chính phủ ban hành nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19. “Chúng ta không để BN thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế”, ông Long khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thông tin thêm, bộ này đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập các bệnh viện điều trị BN nặng. Quân đội cũng đã huy động gần 3.000 lái xe để bảo đảm vận chuyển hàng thiết yếu cho các địa phương. Ở các đảo xa, các vùng mà điều kiện giao thông khó khăn thì huy động trực thăng để vận chuyển, bao gồm vắc xin và trang thiết bị cần thiết cho phòng chống dịch.

Có thể hạn chế đi lại, giãn cách cao hơn Chỉ thị 16

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần tập trung cho TP.HCM và các tỉnh phía nam, thực hiện Chỉ thị 16 theo tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Thủ tướng yêu cầu các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn về một số điểm: kiên quyết thực hiện giãn cách, người dân hạn chế đi lại, không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, xử lý nghiêm các vi phạm; bảo đảm phối hợp chặt chẽ và thông suốt với các bộ, ngành; huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phòng chống dịch với hướng dẫn cụ thể.
Lưu ý Bộ Y tế không để bị động, lúng túng, thiếu hụt nguồn nhân lực y tế; cần đánh giá, dự báo tình hình chính xác để Chính phủ điều hành kịp thời, tinh thần là phải chuẩn bị ở mức cao hơn, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá lại toàn diện biến chủng mới của vi rút, cùng với các nghiên cứu khác của thế giới để có đối sách phù hợp hơn. “Cần đánh giá, phân loại các ca F0, F1 theo các nguy cơ, các mức độ triệu chứng để tập trung các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm; có hướng dẫn khung để các địa phương thực hiện thống nhất”, Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị TP.HCM phân cấp, phân tầng quản lý ca F0, F1 giữa TP, quận, huyện, phường và gia đình. Y tế quận, bệnh viện quận phải trang bị để đủ khả năng điều trị BN Covid-19.
 
Bảo vệ thủ đô trước diễn biến xấu về dịch
 
Ngày 19.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với lãnh đạo TP.Hà Nội về công tác chống dịch và phát triển KT-XH.
Theo Thủ tướng, đợt dịch này còn phức tạp và kéo dài, tấn công vào các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, các đầu mối hoạt động kinh tế, các khu công nghiệp (Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…) và diễn biến rất nhanh, khó lường với biến chủng mới. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Hà Nội ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch, quyết tâm bảo vệ thủ đô khỏi diễn biến xấu về dịch.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quyết tâm hơn, bảo đảm thực hiện rất nghiêm Chỉ thị 15, 16 tại các địa bàn áp dụng. Thủ tướng lưu ý Hà Nội tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên 10% theo yêu cầu của Chính phủ, để dành nguồn lực cho phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng khác. Thủ tướng yêu cầu Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan liên quan phối hợp để đưa vào sử dụng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết dịch bệnh ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ ở mức cao và khó lường. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nội cần đặt ra các tình huống giả định có số ca mắc tăng cao để xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động; đồng thời khẳng định, Bộ sẽ sớm đề xuất bố trí cho TP khoảng 1 triệu liều vắc xin.

* Hà Nội xét nghiệm diện rộng tất cả người ho, sốt

 Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đến ngày 25.7, các đơn vị rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá nguy cơ các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc Covid-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10.7. Đồng thời, rà soát, xác minh người về từ Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, TP đang giãn cách xã hội. Thực hiện lấy mẫu giám sát với người làm nghề lái xe, phụ xe buýt, bán vé xe buýt trên địa bàn TP.

Mai Hà

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img