Người mong trả, người ước tìm
Đầu năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đăng trên Facebook cá nhân của mình một bản danh sách dài. Trong đó có đánh số thứ tự 200 sắc phong mà nhóm Nhân sĩ Hà Đông đang nắm trong tay. Với mỗi sắc phong, nhóm đều đã nhờ chuyên gia Hán Nôm đọc và ghi rõ tên làng, thời điểm làng được tặng sắc phong. “Chúng tôi đưa lên Facebook của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng rồi mọi người vào đó xem danh sách các đạo sắc phong. Thấy làng mình có đạo nào trong danh sách thì báo lại, chúng tôi sẽ thẩm định và nếu đúng thì tổ chức hiến tặng”, ông Trịnh Hữu Sỹ, thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông, chia sẻ.
Cũng theo ông Sỹ, các đạo sắc phong này là văn bản của nhà vua ban cho các vị thần, người thật có công với nước, với dân. Nhà vua phong thần cho họ, cho phép các miền quê của những vị thần được lập nơi thờ cúng họ. “Cũng trong đạo sắc phong, nhà vua giao cho các vị thần bảo vệ con dân của ngài. Cho phép người dân lập miếu lập đình để thờ. Nội dung của các đạo sắc phong chúng tôi trả là như thế”, ông Sỹ nói.
Đến nay, ông Sỹ cho biết nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm ông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đạo diễn Lương Tử Đức đã tìm thấy và trao lại trên 100 đạo sắc phong. Có những làng được trao lại 7 – 8 đạo. “Thường thì họ làm lễ rước sắc phong về làng rất long trọng, như mở hội làng. Ở Hà Nam, ngày hôm đó là hội làng, người ta dùng kiệu rước đạo sắc phong. Có những làng không có điều kiện thì tổ chức đơn giản hơn nhưng cũng rất cung kính”, ông Sỹ nói.
Ngày lên nhận lại sắc phong của nhiều làng huyện Bình Lục, Hà Nam, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Vinh chia sẻ: “Nhóm thật có công gìn giữ cho đất nước những di sản quý! Địa phương mới trùng tu, tôn tạo di tích khang trang, nay có được sắc phong trở về, quả là duyên lành”.
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông cũng không đơn độc trên con đường tìm và trao lại sắc phong cho làng. Ở miền Trung có nhóm Tâm Phát đã nhiều lần tìm và trả sắc phong về đúng chủ. Nhóm có thành viên tích cực là giáo viên dạy văn, bà Hồ Hải Hà. Được xem sắc phong của chính dòng họ mình từ bé, bà Hà rất chia sẻ với tâm tư của những dòng họ, làng xã bị mất sắc phong. Chính vì thế, nếu có duyên, bà mang trả lại sắc phong vừa mua được. Nhiều người có sắc phong cũng mang tới để bà tìm cách trả về đúng chốn xưa.
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông và những sắc phong đang lưu giữ
|
“Giấy tờ tùy thân” của làng
TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết sắc phong là văn bản thể hiện quyền lực của triều đình. Theo đó, triều đình có thể công nhận thần linh bao gồm cả nhân thần và thiên thần. Việc công nhận thể hiện quyền lực triều đình và thể chế đó. “Tờ sắc phong có giá trị của hiện vật mấy trăm năm. Nó cũng có giá trị thể hiện thần quyền và quyền lực của triều đình. Nó cho thấy quan điểm trời đang ủng hộ triều đình đó và cho thấy quan hệ qua lại là vị thần được phong cũng sẽ ủng hộ triều đình để triều đình thống nhất và quản lý đất nước”, ông Tuấn nói.
Chính vì thế, theo TS Tuấn, việc một làng có sắc phong thể hiện làng đó có từ mấy trăm năm trước. Trong trường hợp đó, sắc phong cũng có ý nghĩa như văn bia. “Nhiều làng giờ không còn đình nữa nhưng vẫn còn sắc phong, và người ta có thể dựa trên sắc phong để xin xây một cái đình mới. Nó là một thể chế hoàn toàn chặt chẽ”, ông Tuấn nói.
Vì việc phong sắc cho các đơn vị, dòng họ được làm chặt chẽ nên ông Tuấn cho rằng nó cũng như một “giấy khen cá nhân” hay “giấy tờ tùy thân” của dòng họ, của làng. “Sắc phong làng nào thì tốt nhất ở làng ấy vì đấy mới là chủ nhân của sắc phong thực sự. Người khác giữ thì không thể tốt bằng. Treo sang đình làng khác nó cũng không có giá trị. Cầm sắc phong của làng khác cũng như cầm giấy tờ của người khác. Nó thậm chí còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Nhà sưu tầm thời nào cũng có thì mình cố gắng bằng quản lý nhà nước để hạn chế những việc như thế”, TS Tuấn nói.
Hiện tại, do nhẹ và gọn nên sắc phong là một di sản dễ dàng bị đánh cắp. Mới đây, đền cổ Quốc tế ở xã Dị Nậu (H.Tam Nông, Phú Thọ) đã mất 40 đạo sắc phong và lượng sách cổ dày khoảng 2 gang. Kẻ gian thậm chí còn quay lại lần thứ hai sau khi đã lấy lượng sắc phong và sách cổ này. Tuy nhiên, ở lần đột nhập thứ hai sau lần thứ nhất 1 ngày, chúng đã không lấy thêm được gì. “Hiện tại sắc phong rất khó kiểm soát để khỏi mất. Họ hay để ở hòm tại hậu cung nên nhiều làng bị mất rồi. Có khi cụ thủ từ mang về nhà mất”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, nói.
PGS-TS Bài cũng đánh giá cao việc trả lại sắc phong cho nơi bị mất. “Chúng tôi đánh giá cao tâm nguyện của các nhóm trả lại sắc phong và hành động của họ. Khi họ tặng lại sắc phong như vậy thì cũng là trả lại bằng chứng về niên đại, lịch sử của làng. Bản thân các nhóm cũng đã dịch sơ lược sắc phong để tìm về gốc gác. Chúng tôi khuyến khích việc tìm hiểu xem sắc phong nói về cái gì, niên đại ra sao, vị thần được thờ là ai. Chúng ta có thể biểu dương luôn cả những người hiến tặng sắc phong. Đó là hành động thiện nguyện”, ông Bài nói.