Xưa kia có tục truyền rằng người Pháp ham đeo “mề đay”, ăn bánh mì nhiều và không biết địa dư. Người Pháp thích ăn bánh mì như người Việt thích ăn cơm vậy. Jules Ferry (1832-1893), hai lần làm Thủ tướng Pháp, lần đầu năm 1880-1881, lần thứ hai năm 1883-1885, từng nói: “L’instruction est à l’esprit comme le pain est au corps” (học vấn cần cho trí não cũng như bánh mì cần cho thân thể).
Bánh mì giúp chiến thắng… bầu cử
Những bài xã luận về chính trị trên báo quốc ngữ thập niên 1930 ở Việt Nam thường lấy bánh mì ra để làm ví dụ minh họa, như bài viết Chủ nghĩa Roosevelt hay chủ nghĩa Hitler? đăng trên Hà Thành ngọ báo số 1878 (6.12.1933), cho biết hai chủ nghĩa đều đưa bánh mì vào trong các khẩu hiệu tuyên truyền. Tràng An báo thì đăng bài Thời cuộc Đông Á trong đó có đoạn nội dung liên quan đến bánh mì: “Trong khi dân các miền bị Đồng minh chiếm đóng bị đủ các tai họa thì Anh tuyên truyền một cách tự đắc rằng việc tiêu thụ bánh mì ở Anh vẫn được tự do, mục đích để khuyến khích lực lượng chiến đấu của dân chúng…” (số 247, 28-12-1943, tr. 4).
Trên Tràng An báo (số 374, 22.11.1938), tác giả Hồng Hạnh viết bài Từ Mặt trận Bình dân Pháp đến Mặt trận Dân chủ Đông Dương, trong đó bánh mì được nhắc đến là một trong ba khẩu hiệu mà Mặt trận Bình dân đưa ra trong kỳ Tổng tuyển cử năm 1936. Khẩu hiệu “le pain, la liberté et la paix” (bánh mì, tự do và hòa bình) giúp cho đảng Xã hội chiếm được sư tín nhiệm của dân chúng. Kết quả là Mặt trận Bình dân chiếm đa số phiếu trong cuộc bầu cử, dẫn đến sự ra đời của nội các Blum ở Pháp.
Trước đó một năm, Tràng An báo nêu ý kiến về bài diễn văn của cụ Hà Đằng, Viện trưởng Dân viện Trung kỳ, ngày 10.11.1937, báo phê bình quan điểm ỷ lại của cụ Hà Đằng vào Chính phủ Bình dân (Pháp), trong đó bánh mì được đem ra làm ví dụ cho sự “giao vận mệnh dân Việt Nam ta vào ‘lò thí nghiệm’ ”. Báo viết: “Trước Nội các Blum lên cầm quyền: bánh mì: 1fr.60 một cân, sữa: 1fr.20 một lít. Trong thời kỳ Blum cầm quyền: bánh mì: 2fr.40 một cân, sữa: 1fr.50 một lít” (số 276, 26-11-1937, tr. 1).
Trong chuyên mục Chuyện gần… xa nói về tình hình nước Anh, báo Cứu quốc viết: “6 tháng cuối năm ngoái [1951] ngân sách Anh thiếu hụt hơn 800 triệu đồng bạc Anh. Bộ trưởng tài chính phải thú nhận rằng: Nếu cứ theo đà ấy, thì rồi đây dân Anh không đủ bánh mì mà ăn…” (số 2056, 15-4-1952, tr. 1).
Năm 1979, báo Nhân dân nêu rõ vai trò của bánh mì: “Ở đâu cũng vậy, bảo vệ Việt Nam là tình cảm ăn sâu vào máu. Bảo vệ Việt Nam cũng là bảo vệ chính cuộc sống thiết thân, động đến bánh mì, động đến tự do, động đến hòa bình, động đến cái gì cũng là máu tất cả” (số 9054, 24.3.1979, tr. 3).
Một trang tiểu thuyết Vì nghĩa vì tình của Hồ Biểu Chánh đăng trên báo Phụ nữ tân văn
Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam
|
Chí sĩ Phan Châu Trinh từng trải qua những ngày địa ngục trong nhà ngục Santé (Pháp), cụ viết: “… mai húp một chút nước sôi, chiều uống một chút nước rau luộc, mỗi ngày ăn một ổ bánh mì đen mà người ta quăng lên liệng xuống dưới cái sàn dơ nhớp, cả ngày lăn lộn trong một cái xó, vừa ăn vừa ngủ vừa ỉa vừa đái một chỗ…” (Thư ngày 2.5.1915). Ổ bánh mì quăng lên liệng xuống đó chính là nguồn thực phẩm thiết yếu giúp cụ không “chết mòn, chết rục, chết vắng, chết thầm” trong lao ngục. Bánh mì vì thế đi vào bài thơ được cụ Phan Tây Hồ viết trong ngục Santé có nhan đề Trong ngục quốc sự phạm Santé: “…Mỗi ngày đúng bữa ba lần súp/ Hai đứa chia nhau một bánh mì/ Tám kiếp trâu già chi sợ ách/ Ngồi buồn bắt vế cứ ngâm thi”…
Năm 1939, chí sĩ Phan Bội Châu viết bài thơ Chiếc bánh mì với tám câu thơ: Mì kia có phải giống mình không?/ Nghe thấy mì rao luống chạnh lòng/ Chiếc bánh não nùng mùi khách lạ/ Bát cơm đau đớn máu cha ông/ Văn minh ngoài vỏ chưng ba mặt/ Thấm thía trong gan lệ mấy dòng/ Nhớ lại sáu mươi năm trở ngược/ Say mì ứa kẻ bán non sông (dẫn theo báo Nước Nam, số 274, 30.6.1945, tr. 1).
Bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước, tấm lòng đau đáu của cụ Phan đối với sự độc lập của quốc gia dân tộc. Mì tức là bánh mì, tượng trưng cho văn minh vật chất, văn hóa Pháp, thứ văn hóa ngoại lai. Cụ Phan cho rằng, vì say bánh mì, đi theo văn minh vật chất (khoa học, cơ khí và kinh tế) bề ngoài của Âu Tây mà bỏ bê tinh thần đạo đức cổ truyền bên trong, không ít người Việt chịu khom lưng làm tay sai cho người Pháp.
Xung quanh ổ bánh mì vẫn còn khá nhiều câu chuyện độc, lạ. (còn tiếp)