205/237 chợ đã đóng cửa
Sáng 21.7, thêm chợ An Hội tại quận Gò Vấp buộc tạm ngưng hoạt động do có ca nhiễm Covid-19 tại chợ. Như vậy, đến nay, có đến 205 chợ truyền thống và chợ đầu mối tại TP.HCM đang tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động. Trong đó có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối.
Ngoài ra, cập nhật đến ngày 21.7, một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) cũng đã được khôi phục hoạt động trở lại như chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông – khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương tại quận 5; chợ Phú Thọ và Bình Thới tại quận 11; chợ Kiến Thành tại quận Bình Tân; chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A và chợ Quy Đức tại huyện Bình Chánh.
Một vài quầy rau củ được mở bán trở lại tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)
|
Sở Công thương TP.HCM cho hay, tại các quận huyện có chợ truyền thống bị đóng liên tục, các địa phương đã tổ chức các điểm bán hàng nhỏ. Chẳng hạn, tại quận 12, ngày 21.7, UBND phường Tân Thới Nhất đã triển khai cho các tiểu thương tổ chức gian hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên các tuyến đường rộng. Ban Quản lý chợ Lạc Quang tổ chức thực hiện gian hàng lưu động dọc tuyến đường Dương Thị Giang, đoạn qua dự án 36,2 ha thuộc Khu phố 4 phường Tân Thới Nhất với số lượng 20 gian hàng. Trong đó, tập trung chủ yếu bán hàng nhu yếu phẩm. Tại phường Tân Hưng Thuận cung cấp cho tiểu thương tổ chức bán hàng trên giao lộ đường DN6 và đường DN5 thuộc khu dân cư An Sương.
Tại huyện Củ Chi, 10 hộ tiểu thương chợ Hòa Phú tổ chức kinh doanh tại sân bóng xã Hòa Phú theo hướng 1 chiều, giãn cách giữa các gian hàng 5 mét. Tương tự, xã Bình Mỹ có 10 hộ cũng tổ chức kinh doanh hàng thiết yếu, tổ chức theo lối ra vào hướng 1 chiều.
Chợ khó mở trở lại, kẻ ô trong sân mát cho 3-6 tiểu thương bán mỗi ngày
Trước tình hình hàng trăm chợ đóng cửa và số chợ truyền thống tại các quận huyện hoạt động trở lại sau khi phải đóng vì thực hiện các công tác khử khuẩn chống dịch vẫn còn quá thấp, trưa 21.7, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương đã ký Công văn 3589 gửi các quận huyện, đơn vị quản lý chợ hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, với chợ truyền thống, ngoài việc yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phong tỏa lối phụ, phân luồng chợ 1 chiều, điều tiết lượng người mua hàng tại cùng một thời điểm… Sở yêu cầu các đơn vị quản lý chợ và địa phương nghiên cứu bố trí vách ngăn/màn ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người mua và người bán; đề nghị tiểu thương treo bảng giá niêm yết rõ ràng để khách thuận tiện mua sắm.
Hình thức tấm chắn ngăn cách giữa người bán và người mua, giữa quầy này và quầy bên cạnh được Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các chợ áp dụng để ngừa dịch
|
Các chợ đang hoạt động nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ bằng phát thẻ 2 – 3 ngày/lần, mỗi hộ được phát 10 – 15 thẻ trong 1 tháng; bố trí dung dịch sát khuẩn, xà phòng tại nhà vệ sinh… Ngoài ra, khử khuẩn nền nhà, lối đi của chợ ít nhất 1 lần/ngày và thực hiện khử khuẩn toàn chợ 2 lần/tuần bằng dung dịch sát khuẩn của cơ quan y tế khuyến cáo. Tổ chức kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ người dân trên địa bàn, trước mắt ưu tiên thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thông tin các điểm bán hàng, khu vực tổ chức kinh doanh tại chợ cho người dân biết để thuận tiện mua sắm.
Với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ phải căn cứ tình hình thực tế để điều tiết phù hợp. Quan điểm chung vẫn là tổ chức cho tiểu thương kinh doanh luân phiên, phát phiếu vào chợ…
Đặc biệt, tại một số nơi có đặc thù như dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hoạt động chợ truyền thống, Sở Công thương đề nghị địa phương căn cứ tình hình, nhu cầu, các quận huyện có thể thiết lập các điểm bán có quy mô nhỏ, trước mắt tập trung mặt hàng tươi sống, rau củ quả tại khu vực chợ hoặc điểm bán phù hợp trong các khu dân cư và đảm báo phòng chống dịch tốt. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức các điểm bán trên cơ sở tuân thủ quy định chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường như khu vực có nhiều bóng mát, không ảnh hưởng giao thông, phân luồng 1 chiều; phân chia khu vực, định gian hàng bằng sơn kẻ; mỗi điểm bán chỉ khoảng 3-6 tiểu thương và ưu tiên kinh doanh rau củ quả; phát thẻ ra vào nhằm kiểm soát số lượng, phân bổ người mua theo khung giờ…
Trước đó, UBND TP.HCM ngày 19.7 có văn bản 2382 yêu cầu tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.