Mặc dù, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch tại Hạ Long hầu như đã “chết lâm sàng”, nhưng họ vẫn thờ ơ với gói hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành.
Cứu doanh nghiệp như cứu hỏa vậy mà gói hỗ trợ khó đến mức không thể tiếp cận được nên doanh nghiệp không mặn mà. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phượng – Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long với DĐDN về gói hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành.
– Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 ngày 01/7/2021 về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã hiểu rõ về gói hỗ trợ này?
Ngay sau khi Chính phủ ký ban hành gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đã đại diện cho 240 chủ tàu, hơn 500 con tàu và hơn 5.000 cán bộ công nhân viên, người lao động làm việc với các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh. Tại buổi làm việc, Ngân hàng chính sách Quảng Ninh đã báo cáo cả việc triển khai gói 62 nghìn tỷ mà Chính phủ đã ban hành trước đó. Theo đó, Quảng Ninh chỉ có 8 doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp cận được với số tiền 800 triệu đồng, còn lại đều không đủ điều kiện, rất khó khăn trong việc tiếp cận.
Khi rủ nhau đến gặp Ngân hàng chính sách phổ biến về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, các doanh nghiệp đã rất vui mừng, nhưng đọc đi đọc lại vẫn thấy lần hỗ trợ này cũng giống như lần hỗ trợ trước. Doanh nghiệp cũng sẽ không thể tiếp cận được do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn. Doanh nghiệp thậm chí còn không muốn họp, không muốn làm hồ sơ để tiếp cận gói hỗ trợ lần này nữa.
– Cơ quan chủ trì triển khai đều nói, gói hỗ trợ này điều kiện đơn giản hơn, dễ tiếp cận hơn gói hỗ trợ trước. Vì sao doanh nghiệp nói khó tiếp cận, thưa ông?
Nghị quyết 68 quy định, tháo gỡ cho người sử dụng lao động và người lao động mất việc nhưng xem đi xem lại chẳng thấy khoản nào giúp được cho doanh nghiệp mà mới chỉ thấy giúp người lao động. Vì vậy, không thể nói đây là gói hỗ trợ cho người sử dụng lao động được.
Nói là cho vay, tháo gỡ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không phải thế chấp nhưng để người lao động được hưởng 3 tháng tiền lương thì chủ sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, đó là thế chấp chứ là gì. Còn chưa kể, số tiền hỗ trợ không thấm vào đâu so với thực tế. Nếu gói 62 nghìn tỷ cho vay 3,7 triệu đồng/năm/người lao động nhưng chủ sử dụng lao động phải đứng ra ký nợ, hồ sơ rất nhiều cũng không giải quyết được gì. Gói 26 nghìn tỷ có tăng, cho vay 10 triệu đồng/năm/người lao động nhưng chính sách vẫn thế, không có gì cởi mở.
Mặc dù, Điều 12 của Nghị quyết quy định “đối với những trường hợp người lao động không có hợp đồng lao động thì được đưa vào kế hoạch đặc thù”. Nhưng có thể thấy việc sử dụng câu chữ như vậy là không rõ ràng, không khác gì “mắc mồi câu cá”. Thế nào là đối tượng đặc thù?, Từ đây có thể sẽ gây ra sự không đồng nhất giữa các địa phương, cuối cùng thì doanh nghiệp cũng chịu.
– Là một chủ doanh nghiệp, ông kỳ vọng thế nào về các gói hỗ trợ từ Chính phủ?
Để vận hành tàu du lịch phải cần ít nhất 4 người, hiện nay vì dịch COVID-19, doanh nghiệp phải giữ lại 2-3 người để trông coi, chăm sóc tàu với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nhưng quy định chỉ cho vay 1,5 triệu đồng/tháng/người lao động, 3 tháng là 4,5 triệu đồng thì giải quyết được cái gì? Trong khi đó chúng tôi phải đứng ra ký, bảo lãnh cho người lao động, chứ chủ doanh nghiệp chẳng được vay cái gì.
Mặc dù, ngay tiêu đề Nghị quyết 68 ghi, chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nếu đã nói là hỗ trợ người sử dụng lao động thì Nghị quyết cần có những quy định cho vay vốn lưu động như duy tu tàu bè, khách sạn… phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng trong nghị quyết này lại không có đối tượng đó.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị các gói hỗ trợ của Chính phủ nên nghĩ đến chủ doanh nghiệp, họ có tồn tại thì người lao động mới tồn tại được. Giúp người lao động là tốt, nhưng quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng. Trong lúc này, chính sách cần giúp doanh nghiệp đang trên đà phá sản duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy doanh nghiệp “chết” thì người lao động cũng sẽ “chìm” theo.
– Xin cảm ơn ông!
Ông Ngô Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty TNHH du lịch Hoà Bình:Hiệp hội du lịch Hải Phòng có tới 60-70 doanh nghiệp đã làm hồ sơ để tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trước đó nhưng không một doanh nghiệp nào tiếp cận được. Hiện hồ sơ để doanh nghiệp về gói 62 nghìn tỷ đồng vẫn còn nằm ở huyện Vĩnh Bảo. Lý do gì để doanh nghiệp không được vay hay vì thiếu thủ tục, giấy tờ gì doanh nghiệp cũng không được huyện thông tin lại. Các gói hỗ trợ đang chỉ dừng lại ở việc nói lý thuyết còn thực hiện thì “trên nói một đằng dưới làm một nẻo”.
Ông Hoàng Thiềng – Tổng giám đốc Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (Hải Phòng):Từ hơn 2 năm nay, doanh nghiệp chúng tôi, một tháng phải trả 1,2 tỷ đồng tiền lương cho nhân viên, 360 triệu đồng tiền nước, 600 triệu đồng tiền điện mà không có một khoản thu nào.Doanh nghiệp đã rất vui mừng khi nhận được thông tin, Chính phủ có gói hỗ trợ doanh nghiệp mới, nhưng cuối cùng lại phải thất vọng vì không thấy cơ chế giám sát hay rà soát việc triển khai. Doanh nghiệp chúng tôi đã rất nhiều lần làm đơn xin được hỗ trợ nhưng đến giờ chưa nhận được nên đợt 2 chúng tôi cũng không làm đơn nữa.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.