Thủ đoạn người nước ngoài lừa tình, lừa tiền của những phụ nữ nhẹ dạ cả tin qua mạng xã hội không phải là mới. Mặc dù vậy, vẫn ngày càng có thêm nhiều nạn nhân bị lừa.
Thời điểm dịch COVID-19, mọi người có thời gian lên mạng nhiều hơn, như vậy cũng có nhiều hơn cơ hội kết bạn, nói chuyện với người lạ; nhưng cũng đồng thời tăng nguy cơ bị trục lợi, lừa đảo. Như một vài trường hợp PV ghi nhận thời gian qua: 13 quý bà bị lừa tình, mất 20 tỷ đồng; bị bạn trai Tây quen qua mạng – lừa 1,5 tỷ đồng; nhiều phụ nữ cũng sập bẫy của người tình ngoại quốc, bị lừa hàng chục tỷ đồng.
Kịch bản chung là các đối tượng sẽ giả danh là doanh nhân, quân nhân người nước ngoài, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau đó dụ dỗ rằng: muốn tặng quà, tiền vàng, lôi kéo đầu tư hoặc nhờ bạn gái giữ giúp nhưng đề nghị những cô gái này phải đóng phí để nhận hàng. Phương thức mới hơn là nạn nhân tự chuyển tiền vào các sàn điện tử giả nhưng thực chất là chuyển vào ví của những đối tượng lừa đảo.
Hậu quả để lại: nhiều phụ nữ rơi vào cảnh nợ nần, đau khổ tới trầm cảm, thậm chí là muốn tự tử.
Qua các mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện như Facebook, Instagram, Skype hay các ứng dụng hẹn hò như Tinder, các đối tượng người nước ngoài sẽ kết bạn, làm quen, tán tỉnh các cô gái theo cách rất hiểu tâm lý phụ nữ. Một bức tranh hoàn hảo về tương lai – sẽ được những đối tượng này vẽ lên. Nhưng đằng sau những mối quan hệ tưởng chừng là mối tình xuyên biên giới lại là chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Nếu tỉnh táo thì coi như bạn chỉ bị lừa tình, còn nếu không đủ tỉnh táo thì bạn sẽ bị lừa cả tình lẫn tiền.
Cách đây 1 tháng, bạn của chị Phan Thị Đào (Thành phố Hà Nội) đã quen 1 người đàn ông qua Skype, tự xưng là lính Mỹ tại Syria. Vì môi trường đặc biệt nên cũng chỉ gọi video được 1 lần, thậm chí còn tín hiệu kém, thế nhưng sau một thời gian nhắn tin, giữa 2 người cũng có nảy sinh tình cảm.
“Mỗi 1 ngày anh ấy sẽ gửi 1 bức thư rất dài để thể hiện tình cảm. Sau 20 ngày đã lấy được lòng tin của bạn mình, anh ấy nói rằng anh ấy gửi 1 khối tài sản để xây dựng cuộc sống mới ở Việt Nam. Có hẳn 1 công ty vận chuyển gửi mail cho bạn mình là sẽ nhận được 1 bưu kiện nhưng sau 1 tuần lại gửi lại 1 gmail khác là trong kiện hàng có vàng và tiền, và yêu cầu bạn mình phải chuyển hơn 2000 Euro để lấy được kiện hàng ấy ra. Ban đầu mình nghe câu chuyện này thì mình rất nghi ngờ vì thấy trên mạng cảnh báo nhiều. Đặc biệt là chi tiết làm trong quân đội Mỹ và muốn gửi cho mình 1 kiện hàng. Sau đó mình cảm thấy may mắn vì bạn mình đã đủ tỉnh táo để không chuyển tiền cho họ” – chị Đào cho hay.
Nhìn vào thông báo của công ty vận chuyển này đã thấy thiếu logic về mặt địa lý khi hàng được chuyển từ Syria sang Việt Nam mà lại quá cảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và thực tế, tiền và vàng là những hàng hóa đặc biệt không được phép gửi bằng các bưu kiện qua việc vận chuyển thông thường.
Nếu may mắn là bạn của cô gái trên đã không chuyển tiền vì những kịch bản gửi quà đã cũ thì nhiều nạn nhân khác đã vô tình rơi vào một ma trận mới với thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
“Bạn ấy tự xưng với một tên Trung Quốc, đang sống ở Trung Quốc, là người có địa vị là giám đốc một nhà máy điện. Trong suốt thời gian chia sẻ trao đổi với mình trong gần 3 tháng trời, hoàn toàn chỉ là những câu chuyện rất là bình thường về đời sống về con cái về tâm lý về công việc. Khi đến thời điểm đã rất thân với nhau chia sẻ với nhau cả những điều thầm kín về tình cảm thì mới có ý định rủ mình để cùng đầu tư để tăng thu nhập lo cho các con. Thời gian họ lôi kéo mình cũng phải đến 2 tháng trời. Ở đây bạn ý chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn mình về các ứng dụng mua bán tiền ảo, rất nổi tiếng hiện nay của Bilance. Thì những lần đầu tư ban đầu số lượng tiền thấp thì sẽ chẳng vấn đề gì trong việc bạn rút vào. Chỉ có phát hiện ra vấn đề khi không rút ra được thôi, nghĩa là đã dốc sạch ví của mình để đầu tư rồi” – nạn nhân bị lừa đảo qua mạng nói.
Cũng theo nạn nhân này, 1 nhóm những người bị hại khoảng hơn 40 người đã kết nối với nhau để trình đơn lên cơ quan công an và tổng cộng số tiền bị lừa lên đến hàng chục tỷ đồng.
Với một kế hoạch hoàn hảo và kiên trì, các đối tượng đã khiến những người phụ nữ có tình cảm với mình, để họ hành động theo cảm xúc, chứ không phải lý trí nữa. Tiền mất, tình đã tan rồi nhưng đáng buồn hơn là nhiều phụ nữ còn bị các đối tượng quay ngược lại để đe dọa, tống tiền.
Mặc dù là người có hiểu biết về các sàn điện tử, thế nhưng cô gái này vẫn bị mất gần 100 triệu đồng khi nghe bạn trai qua mạng lôi kéo đầu tư và 1 sàn ảo giả mạo có tên là “Upbit”.
“Mình là người có hiểu biết nhất định về công nghệ nên mình thấy sàn này không ổn, nhưng lúc đấy mình rất tin người bạn của mình.
Mình cũng cương quyết bảo là anh phải chuyển tiền qua sàn chính thống em đã kiểm định rồi thì mình mới chơi. Lúc ấy mình đã quá mệt trong cuộc cãi nhau này rồi nên mình lại chuyển lại và nó đánh cho mình 1 lệnh cháy mason” – nạn nhân bị lừa đảo qua mạng cho biết.
Chưa dùng lại ở việc bị lừa mất tiền, cô gái này còn bị đe dọa tống tiền bởi các đối tượng biết khả năng kinh tế và hoàn cảnh sống của nạn nhân. Đó cũng là lý do các đối tượng thường tiếp cận những người phụ nữ có học thức, có kinh tế, có mối quan hệ rộng để giăng bẫy.
Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân còn bị bạn trai qua mạng dùng chính hình ảnh nhạy cảm mà mình đã gửi để tống tiền. Dựa vào điểm yếu của phụ nữ, rất nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó lường đã được các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Chuyền – Công ty Luật Hợp Danh – Thiên Thanh: “Người ta sẽ đặt ra những giá trị lợi ảo lớn và để cho người ta chi phí những thiệt hại nhỏ. Trước đây việc xử lý tội lừa đảo hay tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản trong các cái loại hình giao dịch này là khó, thì bây giờ cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam đã có bước chuyển biến rất rõ rệt khi sử dụng cái tội sử dụng mạng công nghệ máy tính để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Và tội này hoàn toàn đầy đủ phù hợp với các hành vi chúng ta vừa nói. Và nó phù hợp cấu thành tội phạm mà khoa học pháp lý đã đề đặt ra”.
Ngày 5/ 4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng. Trong đó có 3 người nước ngoài, để điều tra, làm rõ hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là các đối tượng chuyên sử dụng mạng xã hội, để làm quen với phụ nữ, rồi yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.
Trong số các vụ việc mà nạn nhân trình báo với cơ quan công an, một trường hợp nữ 34 tuổi, ở huyện Trảng Bom, bị chiếm đoạt số tiền 13,6 tỷ đồng; và một phụ nữ 44 tuổi, ở TP Biên Hòa, bị chiếm đoạt số tiền: hơn 11,2 tỷ đồng.
Tiếp đến, ngày 21/5, sự nhanh trí của một nhân viên ngân hàng – đã giúp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh – bắt 2 đối tượng, trong nhóm 5 người chuyên lừa tình, lừa tiền của phụ nữ qua mạng. Đột xuất kiểm tra phòng trọ của 1 đối tượng, lực lượng công an đã thu giữ: 400 giấy CMND, 44 giấy phép lái xe, và 80 thẻ ATM.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ nữ qua mạng – đang hoạt động ở Việt Nam.
Trước xu hướng gia tăng của các thủ đoạn: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Chỉ thị số 21, về việc: tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vừa đẩy mạnh việc tuyên truyền, vừa phải quyết liệt trong việc: triệt phá các ổ nhóm tội phạm – là nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan chức năng. Và tất nhiên, trước tiên, mỗi công dân đều phải tự biết bảo vệ bản thân khỏi nạn lừa đảo.
Xác định đây là loại tội phạm mới gây nguy hiểm cho xã hội, Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan đã xây dựng kế hoạch đi từ hoạt động tuyên truyền phòng ngừa đến hoạt động tổ chức điều tra.
Thiếu tá Bùi Quang Tùng – Phó Đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội
“Các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã thường xuyên trao đổi phối hợp thông tin và tổ chức công tác nắm tình hình, tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm và tập trung tổ chức điều tra. Qua thực tế điều tra thấy một số khó khăn vướng mắc. Chỉ các đối tượng thứ yếu ở Việt Nam thì mới ở Việt Nam, còn lại các đối tượng chủ mưu và đối tượng thừa hưởng số tiền chiếm đoạt được sau cùng được luân chuyển cho các đối tượng nước ngoài, do đó vừa khó khăn trong công tác điều tra bắt giữ đối tượng, vừa khó khăn trong việc thu hồi tài sản đã bị thiệt hại” – Thiếu tá Bùi Quang Tùng – Phó Đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hà Nội cho biết.
Việc lên tiếng của mỗi nạn nhân nhằm mong muốn những người có tội sẽ phải bị xử lý đúng người đúng tội, chứ không dám hy vọng sẽ lấy lại được toàn bộ số tiền bị mất. Chính vì vậy, mỗi người cần phải chủ động bảo vệ bản thân khi giao tiếp với người lạ qua mạng. Bởi các giấy tờ chứng minh, thậm chí là cuộc gọi video đều có thể làm giả, đặc biệt liên quan đến việc chuyển tiền hay đầu tư thì đều có thể là dấu hiệu của việc lừa đảo.
Theo anh Nguyễn Minh Đức – Công ty Cổ phần An toàn thông tin Cyradar: “Với người lạ trên mạng, chúng ta không bao giờ được cung cấp các thông tin cá nhân, các thông tin nhạy cảm ví dụ mật khẩu hoặc các hình ảnh liên quan đến chứng minh thư, hộ chiếu, địa chỉ. Những người gửi cho chúng ta những đường link để kích vào và sau đó dụ chúng ta đăng nhập vào những tài khoản liên quan đến ngân hàng, hay các trang đăng nhập vào mạng xã hội thì phải hết sức lưu ý, vì đó có thể là những website lừa đảo. Thậm chí hỏi gửi cho chúng ta những file để chúng ta mở ra thì tốt nhất không mở những file lạ đó bởi hoàn toàn có thể có những mã độc, khi chúng ta bị lừa kích hoạt nó sẽ kiểm soát máy tính và điện thoại của chúng ta”.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.