Thế nhưng, Airbus có vẻ như sẽ giải quyết được vấn đề hóc búa này khi đang thực hiện cuộc cách mạng khí thải cho những thiết bị vận tải hàng không của mình.

Airbus "sạch" như thế nào?

Nhà máy của Airbus ở Hamburg (Đức) đã dùng ong mật như một công cụ để đo đếm mức độ ô nhiễm môi trường. Ảnh: dpa

Sạch từ dưới đất lên trời

Nếu nhìn Airbus dưới lăng kính của một doanh nghiệp thông thường- hãng sản xuất máy bay trứ danh thuộc sở hữu của 4 quốc gia Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, thì đúng chuẩn là nhà sản xuất thân thiện môi trường nhất thế giới.

Tại một trong những nhà máy của Airbus ở Hamburg (Đức) đã dùng ong mật như một công cụ để đo đếm mức độ ô nhiễm môi trường. Theo ý tưởng này, đàn ong nuôi ở sân bay Finkenwerder sẽ thu thập phấn hoa tại khu vực rộng 12 km2 và tạo thành mật.

Mật ong sau đó được gửi đến phòng kiểm định độc lập để phân tích chất lượng đất, nước và không khí. “Chúng tôi rất tự hào, mỗi kết quả đều cho thấy, mức độ ô nhiễm đều thấp, trong mức hạn chế cho phép”- Eberhard Schädlich, người nuôi ong toàn thời gian của Airbus cho biết.

Gần đây, Airbus ấp ủ kế hoạch thực hiện cuộc cách mạng khí thải cho những thiết bị vận tải hàng không của họ nhằm tập trung giải quyết triệt để nguồn khí carbon từ động cơ trong bối cảnh nghi ngại về vai trò của ngành hàng không trong vấn đề biến đổi khí hậu khiến toàn cầu nóng lên từng ngày.

Giám đốc điều hành Airbus ExO Alpha, bà Sandra Bour Schaeffer tự tin cho rằng, đến năm 2030, hãng sẽ trình làng máy bay thương mại không phát thải. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các loại máy bay hiện đang góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Năm 2017, các chuyến bay trên toàn thế giới đã thải 859 triệu tấn CO2. Một người ngồi máy bay khứ hồi từ London sang New York tạo ra mức phát thải bằng trung bình 1 người ở Châu Âu sưởi ấm nhà trong 1 năm. Hàng không đóng góp 12% lượng khí thải ngành vận tải, trong đó có 2% CO2.

Bên trong chiếc máy bay sang trọng, phục vụ lực lượng hành khách thuộc giới tinh hoa sẽ để lại bên ngoài bầu khí quyển mối họa vô hình, góp phần tạo ra biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khắp toàn cầu.

Airbus "sạch" như thế nào?

Nghệ thuật công nghệ 

Nhiệm vụ nói trên của Airbus phức tạp hơn nhiều so với sự tưởng tượng thông thường của chúng ta. Bởi để có chiếc tàu bay “sạch” thế hệ mới phải kêu gọi sự hợp tác từ nhà sản xuất động cơ đến nhà phát triển công nghệ sản xuất chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Đặc biệt, chu kỳ phát triển của ngành sản xuất thiết bị hàng không rất chậm, máy bay thường có tuổi thọ tầm nửa thế kỷ, nên yêu cầu khắt khe tuyệt đối về mặt kỹ thuật, an toàn.

Airbus đến sau Boeing, nhưng đã ngoạn mục bước lên sánh ngang hàng gã khổng lồ này của Mỹ, tạo ra cuộc đua khốc liệt nhất trong lịch sử ngành sản xuất thiết bị hàng không.

Nhà máy rộng hàng nghìn m2 của Airbus ở Tulouse (Pháp) có rất ít công nhân, kỹ sư giỏi làm việc. Ở đó mức độ tự động hóa, tính chuyên nghiệp, kỷ luật công việc dường gần như đã đạt đến mức cao nhất trong chu trình sản xuất công nghiệp đương đại.

Ví dụ, dòng máy bay A350 XWB- từ phương tiện giải trí trên máy bay, điều hòa không khí, hệ thống bếp, nước và chất thải đều được kiểm định nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm độc lập trước khi lắp ráp.
Sản phẩm của Airbus ứng dụng các dạng vật liệu tân tiến nhất, như nhựa gia cường sợi carbon (CFRP) siêu nhẹ, thậm chí hãng đã cho ra đời dòng máy bay từ công nghệ in 3D.

Airbus chính là biểu tượng của nền khoa học kỹ thuật Châu Âu, là kết quả của đa phương hóa, toàn cầu hóa. Đúng hơn, Airbus là một hệ sinh thái chuẩn mực của lao động, sáng tạo, kinh doanh mang tính đại diện cho sự tiến bộ của loài người.