Chiều 23.7, Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc về triển khai nội dung chương trình kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Điều trị bệnh nặng, bảo toàn lực lượng nhân viên y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 20.6, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận 170 ca Covid-19, 1 tuần sau đó, trung bình mỗi ngày là 400 ca, sau đó là 600 ca. Và thời gian tiếp theo, có ngày lên 1.000 ca/ngày, 2.000 ca/ngày và 10 ngày gần đây nhất là tăng lên 3.000 ca, 4.000 ca và có ngày 5.000 ca, vượt dự đoán.
F0 không triệu chứng sẽ ở khu cách ly quận, huyện hoặc ở nhà.
|
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết 2 tiêu chí lớn nhất hiện nay của TP.HCM là tập trung vào điều trị hiệu quả nhất, giảm tỷ lệ tử vong và bảo toàn lực lượng ngành y tế. Do đó, hiện nay đổi mới chiến lược điều trị, đó là phân tầng điều trị thành 5 tầng.
Tầng dưới cùng là quận, huyện sẽ hình thành cơ sở theo dõi, điều trị và chăm sóc sức khỏe những ca F0 không có triệu chứng, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với Covid-19. Và đối tượng chủ yếu là người dân lao động, khu đông dân cư không đảm bảo cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Những ca F0 có kết quả test nhanh dương tính Covid-19, không triệu chứng thì cho ở nhà (nếu đủ điều kiện) trong khi chờ kết quả RT-PCR.
Như vậy gánh nặng sẽ tập trung vào Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức. Do đó TP.HCM sẽ hỗ trợ nhân lực cho các quận, huyện từ nguồn nhân lực của TP.HCM và Trung ương hỗ trợ.
Theo kế hoạch, tại các khu cách ly quận, huyện, cứ 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng sẽ theo dõi 50 bệnh nhân ở khu cách ly quận, huyện. Cứ 1.000 người cách ly sẽ có 20 bác sĩ và 40 điều dưỡng. Các khu này trang bị phòng hồi sức, sơ cấp cứu cho bệnh nhân chuyển nặng đột ngột để thở ô xy và chuyển lên tuyến trên kịp thời.
Ngoài ra, F0 thí điểm ở nhà có triệu chứng thì phải có đường dây liên hệ với y tế địa phương để đi bệnh viện kịp thời.
Tập trung nguồn lực cho F0 nặng
|
Còn các Bệnh viện dã chiến có khu điều trị, có ô xy hỗ trợ cho bệnh nhân chuyển nặng trước khi chuyển lên tuyến trên. Tập trung nguồn lực hết sức cho điều trị, nhất là chi lực thật tốt cho Bệnh viện hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường.
“2 tuần tới cố gắng giữ 4.000 ca mỗi ngày, tuần tiếp theo sẽ giảm bớt và sẽ bớt áp lực”, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.
Dùng xe taxi cấp cứu có điều dưỡng, ô xy
Về vấn đề xe cấp cứu, xe chuyển viện, theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hiện Trung tâm cấp cứu 115 không đủ xe để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Các bệnh viện TP.HCM có khoảng 250 xe cứu thương, Trung tâm cấp cứu 115 hiện có 23 xe và chuẩn bị lên 29 xe.
Xe cấp cứu Đà Nẵng chi viện cho Trung tâm cấp cứu 115
|
Do đó, Công ty Thaco sẽ chuyển 1 số xe thành xe cứu thương. Ngoài ra, TP.HCM còn taxi có kết nối tổng đài 115. Taxi hỗ trợ cũng sẽ tổ chức lại như xe cứu thương, cử 1 điều dưỡng theo xe, trang bị 1 bình ô xy để hỗ trợ trong quá trình vận chuyển. Nếu tổ chức được như vậy thì sẽ mạnh dạn cho F0 ở nhà nếu F0 có đủ điều kiện, trình độ theo dõi.
Sau khi thực hiện tốt cách y tập trung tại quận, huyện thì tiếp sau đó triển khai cho F0 tại nhà. TP.HCM sẽ điều chuyển F0 không triệu chứng tuyến trên về khu cách ly quận, huyện để nhường chỗ cho F0 có triệu chứng. Nếu giải quyết được xuất viện sớm F0 ngày thứ 7 sẽ cân bằng được số ra viện và nhập viện.
Mạnh dạn cho người dân tự làm test nhanh
Về xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo vùng nào nguy cơ, trọng tâm trọng điểm thì làm, không làm dàn trải, sử dụng chủ yếu là test nhanh để giảm bớt lực lượng lấy mẫu, giảm áp lực xét nghiệm, giảm bớt chi phí xét nghiệm để tăng cường chi phí điều trị.
Việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR không trọng điểm dẫn đến quá tải nhân lực, lãng phí nên cần áp dụng cho người dân tự test nhanh tại nhà
|
“Mạnh dạn sử dụng test nhanh tại địa phương, đoàn thanh niên, các hội sẽ đảm trách hướng dẫn cộng đồng thực hiện, không cần đến lực lượng nhân viên y tế làm test nhanh. Hiện TP.HCM làm 120.000 – 150.000 test nhanh/ngày. Sử dụng xét nghiệm RT-PCR để làm trọng tâm trọng điểm”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
Hệ thống 5 tầng điều trị cho F0 của TP.HCM
Tầng 1: Cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì, được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Tầng 2: Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 có nhiệm vụ điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nề kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.
Hiện đã có 13 bệnh viện với tổng số giường khoảng 32.000 giường, đang sử dụng 26.957 giường và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Tầng 3: Bệnh viện điều trị Covid-19 điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.
Hiện có 8 bệnh viện với tổng số giường khoảng 3.315 giường, hiện đang sử dụng 2.832 giường.
Tầng 4: Bệnh viện điều trị Covid-19 cho bệnh nhận nặng có bệnh lý do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng; hiện có 10 bệnh viện với tổng số giường khoảng 3.900 giường.
Tầng 5: Bệnh viện hồi sức Covid-19, được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện có 4 bệnh viện với tổng số giường khoảng 2.000 giường.
|