Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 nặng và cũng là trường hợp nguy kịch thứ 31, 32 trong đợt dịch này đã hồi phục sức khỏe, ra viện.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân V.T.N. (35 tuổi, quê ở Con Cuông, Nghệ An), vào viện ngày 2/6 trong tình trạng phải duy trì thuốc an thần, vận mạch, thở máy qua ống nội khí quản, duy trì hệ thống ECMO, trên da toàn thân nhiều ban dát tổn thương vảy nến. Bệnh nhân có tiền sử bệnh vảy nến, mang thai tuần 22.
Ngay sau khi vào Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được chăm sóc tích cực, đảm bảo hô hấp, đảm bảo tuần hoàn, chăm sóc kiểm soát nhiễm trùng. Bác sĩ chỉ định siêu âm đánh giá tình trạng thai nhi và lọc máu hấp thụ độc tố cytokines lần thứ nhất.
Từ 2/6 – 13/6, bệnh nhân được lọc máu hấp phụ độc tố cytokines 6 lần. Bệnh tiến triển chậm, tổn thương phổi chậm hồi phục, rối loạn đông máu nặng nề. Tình trạng thai nhi được bác sĩ sản khoa theo dõi sát sao hàng ngày đánh giá qua thăm khám và siêu âm, cân nặng tương ứng với tuổi thai. Do tình trạng mẹ quá nặng và thai còn nhỏ tuổi, bác sĩ sản khoa có tiên lượng xấu đối với thai nhi.
Quá trình điều trị có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh nhân đi vào sốc mất máu và nguy cơ tử vong do chảy máu. Ngay lập tức, bác sĩ hồi sức kết hợp bác sĩ ngoại khoa nội soi bàng quang lấy máu cục tại giường và rửa bàng quang liên tục. Thông qua nội soi bác sĩ đã tìm thấy điểm chảy máu tại cổ bàng quang, từ đó điều trị nội khoa cầm máu, truyền khối hồng cầu cấp cứu, và truyền các chế phẩm của máu để bổ sung yếu tố đông máu, kết hợp lọc máu liên tục đảm bảo cân bằng nội môi trong cơ thể.
Ngày 17/6, bệnh nhân được kết thúc ECMO thành công sau 16 ngày điều trị tích cực. Chức năng phổi cải thiện chậm, qua thăm khám đánh giá hàng ngày bác sĩ phát hiện thai 23 tuần tuổi bị chết lưu. Bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu nặng, sốt cao, phù toàn thân, bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu liên tục, thở máy tối ưu trong ARDS, cầm máu bàng quang nội khoa, kết hợp điều trị kháng sinh, kháng nấm.
Bệnh nhân được chuyển từ Khoa Hồi sức tích cực về tuyến dưới. Ảnh: BVCC
Cuộc hội chẩn bác sĩ sản khoa về tình trạng thai lưu, các bác sĩ kết luận chưa can thiệp sẩy thai lưu do nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng cho mẹ. Bệnh nhân được theo dõi sát sao từng diễn biến trên lâm sàng và xét nghiệm.
Đến ngày 24/6, bệnh nhân chuyển dạ tự nhiên, bác sĩ chuyên khoa sản đã túc trực và theo dõi sát sao, đỡ rau và thai lưu, kiểm soát tử cung. Sau sảy thai lưu, bệnh nhân được đảm bảo về hô hấp, tuần hoàn.
Sau 45 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, đến ngày 16/7, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, chức năng phổi hồi phục, cơ lực tốt, có thể vận động nhẹ tại giường, bác sĩ cho bệnh nhân cai máy thở, tự thở tốt. Tình trạng chảy máu bàng quang sau 1 tháng điều trị cầm máu nội khoa đã tạm thời ổn định, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Ngày 23/7, sau 51 ngày chăm sóc tích cực, với 10 lần lọc máu, 45 ngày thở máy, 16 ngày ECMO; bệnh nhân đã hồi phục tốt, tự thở khi phòng, tự đi lại được, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp. Bác sĩ cho bệnh nhân chuyển tuyến cơ sở để theo dõi tiếp.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L.T.C. (64 tuổi, quê ở Hữu Lũng, Lạng Sơn), vào viện ngày 6/6 với tiền sử ung thư cổ tử cung.
Bệnh nhân được điều trị tại tuyến dưới, nhưng tình trạng xấu hơn, bệnh nhân sốt cao và khó thở tăng dần, được chuyển viện cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, khó thở nhiều, thở oxy qua mash túi 15 lít/phút không đáp ứng.
Bệnh nhân được can thiệp đặt ống nội khí quản và thở máy, lọc máu hấp phụ độc tố tại Khoa Cấp cứu. Sau 2 lần lọc máu và 6 ngày thở máy, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân được vào Khoa Hồi sức tích cực.
17h ngày 11/6, bệnh nhân nhập khoa trong tình trạng an thần thở máy qua nội khí quản, phù nhẹ vùng thấp, chỉ số chức năng phổi P/F dưới 150. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu hấp phụ độc tố 2 lần liên tiếp, thở máy thông số tối ưu, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, đảm bảo cân bằng điên giải, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn.
Sau 15 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, đến ngày 26/6, bệnh nhân có tiến triển rõ rệt, cơ lực khá, tổn thương phổi hồi phục, bác sĩ chuyển chế độ tập cai máy thở và ngừng thở máy, rút ống thở thành công.
Sau rút ống bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở oxy kính từ 26/6 – 8/7; bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc về tinh thần, tập phục hồi chức năng tại giường.
Ngày 23/7, trải qua 47 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục, sức khỏe ổn định, hết bệnh COVID-19, bác sĩ cho bệnh nhân ra viện. Đây là ca bệnh nặng thứ 32 (và là ca bệnh nền thứ 7) hồi phục khỏi bệnh trong đợt dịch thứ 4.
Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn 20 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó, có 17 bệnh nhân thở máy và 3 bệnh nhân đang chạy ECMO.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.