Nguyễn Thị Lộ ngộ sát Lê Thái Tông ?
Đại Việt sử ký toàn thư là tư liệu đầu tiên chép lời cáo buộc dành cho Nguyễn Thị Lộ: “Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”. Tình tiết Nguyễn Thị Lộ giết vua mãi đến thế kỷ 19 mới có người làm rõ thêm. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho biết: “Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua”.
Kỳ thực nói Nguyễn Thị Lộ cố ý giết vua là rất khó tin, vì căn bản của việc giết người là phải có động cơ. Người tiến hành ám sát phải có một mục tiêu nào đó cần được thỏa mãn thì mới có thể tiến tới hành động tày đình này. Trong khi đó, Nguyễn Thị Lộ đang là người được vua Thái Tông sủng ái. Một khi giết chết vua Thái Tông, Nguyễn Thị Lộ sẽ mất đi chỗ dựa. Ngạn ngữ có câu: “Một tay nắm bản đồ thiên hạ, tay kia tự cắt cổ mình, dù kẻ ngu cũng không làm điều đó”. Cho nên những người buộc tội Thị Lộ đều muốn lý giải động cơ gây án của bà.
Đến cuối thế kỷ 18, câu chuyện Thị Lộ giết vua được hoàn thiện nhờ hai chi tiết: Một, mả tổ của Nguyễn Trãi ở Nhị Khê có kiểu tướng quân cụt đầu mà như Hoàng Phúc đã đề cập trong Kiềm ký: “Nhị đệ mạch đoản, họa thảm tru di”. Hai, Nguyễn Thị Lộ vốn là tinh rắn hóa thành, để trả thù dòng họ Nguyễn Trãi lúc dọn đất để làm nhà dạy học, đã phá tổ rắn. Câu chuyện rắn báo oán đã thấy lưu hành ở đầu thế kỷ 16. Lê triều khiếu vịnh thi tập của Hà Nhậm Đại thời nhà Mạc kể rõ: “Đời trước còn truyền quê Nguyễn Trãi có một vùng trũng lớn, có con rắn rất to thường hay hại người. Ông của Trãi làm nghề dạy học mới dùng mưu giết nó đi. Đến khi Nguyễn Trãi lấy Nguyễn Thị Lộ, thấy dưới bụng Thị Lộ có 3 cái vẩy. Khi Nguyễn Trãi gặp họa thì người đời đều cho rằng đó là rắn báo oán. Cháu phụng mệnh qua hồ Động Đình lại gặp con rắn báo oán. Từ đó con cháu lấy làm điều răn trong lòng”.
Điều thú vị là để tạo ra tính hợp lý cho lời cáo buộc phi lý, người ta tạo ra một câu chuyện càng phi lý hơn. Bởi vì không thể tìm ra động cơ giết người của Nguyễn Thị Lộ, các nhà nghiên cứu hiện đại ngày càng có xu hướng giải thích rằng Nguyễn Thị Lộ giết vua Thái Tông không phải cố sát mà là ngộ sát. Thực hư ra sao?
Một “sự cố” khó nói
Bối cảnh băng hà của vua Thái Tông khiến nhiều người có suy nghĩ khác. Nguyễn Thị Lộ không giết vua, nhưng là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho vua. Theo Ngô Sĩ Liên, vua Lê Thái Tông chết là vì “bệnh ác”, trong bối cảnh “thức suốt đêm với Thị Lộ”. Mối quan hệ mơ hồ giữa vua Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ trong đêm đó đã được các sử gia đời sau tô đậm thêm. Trong Việt sử diễn nghĩa, Tôn Thất Hân đã khẳng định vua Thái Tông “sắc hoang băng liền”. Nói tóm lại, cái chết của Lê Thái Tông có liên quan mật thiết đến vấn đề sắc dục và Nguyễn Thị Lộ.
Xuất phát từ góc độ y khoa, tại cuộc tọa đàm cuốn sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa của bác sĩ Bùi Minh Đức in trên tạp chí Hồn Việt (2014) đã đặt ra giả thiết: Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ đã nảy sinh quan hệ tình dục. Do lao lực sẵn và lại gắng sức quá độ, Lê Thái Tông đã chết vì chứng “thượng mã phong”. Ý kiến trên được một số người đồng tình. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên bình luận về ý kiến này rằng: “Có chuyện đó dẫn đến kết cục như thế, đứng về tình dục học, tâm lý học, tôi cho là bác sĩ Bùi Minh Đức rất có lý”. Tuy nhiên, cách lý giải này cũng không đứng vững bởi hai lẽ. Thứ nhất, theo Đại Việt thông sử: Trong đêm Thái Tông chết, ngoài Nguyễn Thị Lộ ra còn có một người nam khác cũng thức suốt đêm,“hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”. Thứ hai, giữa hai người cách biệt quá lớn về tuổi tác. Ức Trai tập dẫn Nhị Khê tộc phả nói “thời họ Hồ, Công [tức Nguyễn Trãi] đi đường, gặp Thị Lộ, đem về”. Như vậy, đến năm 1442, Nguyễn Thị Lộ đã qua tuổi 50, quá già so với Lê Thái Tông. Vì thế, một hướng lý giải thứ ba xuất hiện và ngày càng được chấp nhận, rằng: Nguyễn Thị Lộ bị người ta vu oan giá họa. Nhưng người vu vạ ấy là ai?
(Trích từ sách Mật bổn – những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)