Chiều tối 23.7, Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang phát đi công văn có nội dung UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận sử dụng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang làm nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng này thuộc quản lý của Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, ngày 21.7, UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn trưng dụng Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu và kỹ thuật cao Tiền Giang để làm khu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Thời gian trưng dụng đến ngày 31.12. Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao Tiền Giang này liên danh giữa Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang và Công ty TNHH Thuận Phú, quy mô 1 triệt, 3 lầu, 156 giường bệnh.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về việc thay đổi khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, nói: ‘Nhà nước trưng dụng thì phải được thôi. Nhưng mà làm thì cũng phải sữa chữa như bên đây thôi (Bệnh viện Y học cổ truyền – PV) mà trưng dụng thì phải tính toán lại chuyện liên doanh giữa Công ty Thuận Phú và Bệnh viện đa khoa tỉnh, rồi người lao động trong khu điều trị nữa rất phức tạp. Và việc đàm phán với liên danh này mất thời gian nên UBND tỉnh lấy Bệnh viện Y học cổ truyền là cơ sở của nhà nước làm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cho thuận lợi’.
Người dân TP.Mỹ Tho đang trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn do dịch Covid-19
|
Cũng theo ông Dũng, tuy công văn là sử dụng Bệnh viện Y học cổ truyền nhưng thực tế chỉ lấy một phần phía trước bệnh viện này. Các bệnh nhân đang được điều trị bị ảnh hưởng về không gian sẽ được chuyển đến khu vực phía sau bệnh viện để tiếp tục chăm cứu, điều trị vật lý trị liệu… ‘Khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng có lối đi riêng nên sẽ không ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh’, ông Dũng nói.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 23.7, trên địa bàn tỉnh đã có 26 trường hợp dương tính với Covid-19 tử vong. Tổng số ca F0 trong cộng đồng 1.548 ca.