Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ vừa có văn bản hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại các khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly, các điểm chốt phòng dịch Covid-19…
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ Cao Thị Minh Thảo vừa ký Văn bản số 2323/TNMT-CCBVMT hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại các khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly, các điểm chốt phòng dịch Covid-19 và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu – cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhằm góp phần phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Xe thu gom rác thải tại một con đường ở TP. Cần Thơ |
Theo đó, tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực, phòng cách ly, khám theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được xem là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, quản lý, xử lý như đối với chất thải y tế nguy hại lây nhiễm. Chất thải phát sinh phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất lây nhiễm gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn với dòng chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy và được lưu giữ tạm thời tại khu vực riêng biệt tại khu điều trị; tối thiểu 01 lần/ngày hoặc khi cần được thu gom về khu lưu chứa tập trung bố trí bên trong khuôn viên của cơ sở y tế; trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử trùng khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý như chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nêu trên.
Về vận chuyển chất thải: Trong ngày phải vận chuyển chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 để xử lý ngay tại cơ sở xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng hoặc các phương tiện khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, có nắp đậy kín, đảm bảo không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS- CoV-2”. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ thực hiện thu gom, vận chuyển.
Về xử lý chất thải: Chất thải y tế nguy hại lây nhiễm được xử lý tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ bằng hệ thống xử lý chất thải y tế.
Bên trong một khu xử lý rác thải |
Sở TN&MT còn hướng dẫn cụ thể từng khu vực như sau:
Khu vực cách ly tập trung: Toàn bộ chất thải rắn phát sinh (trừ chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nhà bếp, rác thải vệ sinh khuôn viên,…chưa có sự tiếp xúc người nhiễm SARS[1]CoV-2) được coi là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, quản lý, xử lýnhư đối với chất thải y tế. Đối với chất thải rắn sinh hoạt chưa có sự tiếp xúc người nhiễm SARS[1]CoV-2 được thu gom, xử lý ngay trong ngày theo quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trước khi đưa chất thải rắn sinh hoạt lên xe vận chuyển để đem đi xử lý phải thực hiện phun hóa chất khử trùng.
Khu dân cư cách ly y tế, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, khu vực phong tỏa: Đối với chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, vệ sinh cá nhân khác thải bỏ của người bị cách ly phải được thu gom vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào thùng có nắp đậy kín, thùng đựng chất thải có lót túi đặt ngay tại phòng của người bị cách ly.
Đối với các điểm chốt kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19: Chất thải (quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, thức ăn thừa,…) tại các điểm chốt được thu gom vào túi, xịt cồn 70 độ để khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào thùng chứa chất thải rắn có nắp đậy, sau đó được thu gom, xử lý cùng chất thải rắn sinh hoạt của địa phương trên địa bàn đặt chốt.
Đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2: Các chất thải phát sinh từ hoạt động xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được coi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và phải được thu gom, quản lý, xử lý như đối với chất thải tại mục 1 nêu trên. Các doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thực hiện phun hóa chất khử trùng chất thải trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Sở TN&MT cũng đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận. Đối với chất thải phát sinh từ các cơ sở, doanh nghiệp có người mắc Covid -19 được thu gom, quản lý, vận chuyển, xử lý như đối với chất thải y tế nguy hại lây nhiễm.
Đối với UBND các quận, huyện thì tổ chức triển khai hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải trong công tác phòng, chống dịch Covid -19 đến khu cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người dân trên địa bàn quản lý; tăng cường chỉ đạo kiểm tra các đơn vị trực thuộc liên quan tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo quy trình, lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường.
Ảnh báo Nhân Dân |
Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thực hiện nghiêm các quy định về trang bị bảo hộ lao động cho lực lượng công nhân trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để tình trạng ứ đọng chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.